QC 1
Thứ 3, ngày 30/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Năm 2023 Tập đoàn Hòa Bình (HBC) tiếp tục thua lỗ 782 tỷ đồng, áp lực nợ vay căng thẳng

Cổ đông Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) vừa đón tin vui cổ phiếu HBC được ra khỏi diện bị hạn chế giao dịch, thì lại nhận ngay tin doanh nghiệp thua lỗ. Kết thúc năm 2023, HBC ghi nhận lỗ sau thuế 782 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với kết quả ảm đạm. Theo đó, doanh thu thuần quý 4 sụt giảm tới 32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2.191 tỷ đồng.

Trong kỳ, giá vốn giảm mạnh 41% xuống còn 2.137 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp đạt 53,5 tỷ đồng, cải thiện tích cực so với số lỗ 426 tỷ đồng của quý 4/2022. Hòa Bình cũng ghi nhận thêm doanh thu tài chính 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lõ 113 tỷ đồng.

Cùng với việc giảm các chi phí tài chính, chi phí quản lý, được hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 310 tỷ đồng (ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp), Tập đoàn Hòa Bình vẫn có lãi sau thuế 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ quý 4/2022 báo lỗ gần 1.202 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2023, Tập đoàn Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần 7.545 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2022. Nhờ cắt giảm mạnh 78,5% chi phí quản lý doanh nghiệp nên lợi nhuận trước thuế bị lỗ 757 tỷ đồng và sau thuế lỗ 782 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã cải thiện giảm đáng kể so với số lỗ kỷ lục 2.570 tỷ đồng của năm 2022.

Do tiếp tục kinh doanh bết bát, thua lỗ lớn nên đến cuối năm 2023, tổng số lỗ lũy kế của Tập đoàn Hòa Bình tiếp tục tăng lên mức 2.878 tỷ đồng. Khoản lỗ quá lớn này đã “ăn mòn” 63% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, giảm xuống còn gần 454 tỷ đồng.

Điểm sáng trong bức tranh tài chính của Hòa Bình là năm qua, công ty đã thu hồi được 2.118 tỷ đồng công nợ. Ở chiều ngược lại, tập đoàn đã chi trả nợ gốc vay lớn khoản 3.948 tỷ đồng. Trong khi đó, đi vay được gần 2.535 tỷ đồng trong năm qua.

Đến cuối năm 2023, Hòa Bình ghi nhận tổng nợ vay tài chính còn 4.718 tỷ đồng, giảm 23% so với thời điểm đầu năm. Có thể thấy, nợ vay đang ở mức báo động khi cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu, cho thấy áp lực thiếu hụt dòng tiền và rủi ro hoạt động dựa trên nợ vay lớn, sẽ dẫn tới mất cân đối tài chính.

Hơn nữa, doanh nghiệp này cũng chi cho hoạt động đầu tư nên dòng tiền thuần trong năm 2023 của Hòa Bình bị âm gần 106 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Hòa Bình sụt giảm 16% so với đầu năm, xuống còn 13.055 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp đang chịu áp lực thiếu hụt vốn khi lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàn chỉ còn 404 tỷ đồng.

Đối với nhà thầu xây dựng lớn như Hòa Bình, công ty thường phải ứng vốn, mua sắm vật liệu, chi phí xây dựng dở dang lớn cho các công trình xây dựng dẫn tới khoản công nợ phải thu rất lớn.

Đến cuối năm 2023, tổng các khoản phải thu của Hòa Bình lên tới 8.820 tỷ đồng, dù đã giảm đáng kể 20% trong năm qua nhờ tích cực thu hồi công nợ.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Hòa Bình đặt kế hoạch có 10.800 tỷ đồng doanh thu và 433 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm gần 14% về doanh thu so với kế hoạch 2023 nhưng cao gấp 3,5 lần về lợi nhuận.

Trên thị trường chứng khoán, mới đây sau thông tin cổ phiếu HBC được ra khỏi diện kiểm soát, giao dịch toàn thời gian nên cổ phiếu này có diễn biến tích cực, có vài phiên tăng kịch trần. Chỉ trong 2 tháng qua, thị giá HBC tăng 13%, thanh khoản tăng lên hơn 1 triệu đơn vị mỗi phiên. Hiện giá HBC giao dịch quanh mức 9.180 đồng/CP.

Cổ phiếu HBC lao dốc xuống đáy 7.000 đồng/CP do Hòa Bình liên tục báo lỗ lớn và vi phạm công bố thông tin tài chính. Nguồn: FPTS 

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt – Mỹ