QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Năm 2023 Văn Phú – Invest báo lãi 463 tỷ đồng, gánh nợ phải trả vượt 8.500 tỷ đồng

Văn Phú – Invest (mã: VPI) không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 463 tỷ đồng. Không chỉ doanh thu lao dốc, dòng tiền lưu chuyển âm, mà khối nợ của VPI hiện rất lớn.

Hoạt động kinh doanh lao dốc

Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest (mã: VPI) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với kết quả kinh doanh lao dốc mạnh cả về doanh thu, lợi nhuận, cũng như các chỉ tiêu tài chính.

Trong quý 4/2023, Văn Phú – Invest ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 135 tỷ đồng, sụt giảm 82% so với mức 760 tỷ đồng của quý 4/2022 và là quý làm ăn bết bát nhất trong 5 năm qua.

Doanh thu từ kinh doanh bất động sản, hoạt động tài chính đều ở mức rất thấp.

Công ty đã cắt giảm các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp xuống mức thấp nhất có thể, song do chi phí lãi vay quá lớn lên tới 104 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận giảm mạnh. Kết quả là lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 16 tỷ đồng trong quý 4.

Tuy nhiên, nhờ giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, lợi nhuận sau thuế của Văn Phú – Invest vẫn đạt 25 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý 4/2023, Văn Phú- Invest lao dốc mạnh cả về doanh thu, lợi nhuận

Do đó, luỹ kế cả năm 2023, Văn Phú – Invest ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.877 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 463 tỷ đồng, giảm 6%.

Như vậy, nếu so với kế hoạch kinh doanh mà Đại hội cổ đông đề ra với doanh thu 2.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 550 tỷ đồng, Văn Phú – Invest đã không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ đạt 84-85% kế hoạch năm.

Theo giải trình của Văn Phú – Invest, trong quý 4/2023, VPI và các công ty con tập trung phát triển các dự án bất động sản tiềm năng nên doanh thu bán hàng ghi nhận thấp hơn so với cùng kỳ, dẫn tới lợi nhuận bị sụt giảm.

Trong khi quý 4/2022 là giai đoạn bàn giao chính của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu biệt thự Hùng Sơn (TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá) với tên thương mại Vlasta Sầm Sơn. Nhờ đó, dự án Vlasta Sầm Sơn đóng góp tới 98% doanh thu kinh doanh bất động sản cho Văn Phú-Invest trong năm 2023, còn lại là từ dự án The Terra An Hưng, Grandeur Palace- Giảng Võ.

Nợ phải trả rất lớn vượt 8.554 tỷ đồng

Không chỉ gặp khó khăn trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, tiêu thụ ế ẩm, mà Văn Phú – Invest còn đối mặt với sự thiếu hụt dòng tiền và áp lực nợ nần rất lớn.

Báo cáo tài chính cho thấy, đến cuối năm 2023, tổng nợ phải trả của Văn Phú – Invest tăng mạnh 16% so với đầu năm, lên tới 8.554 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay chiếm tới 54% tổng nợ, tương ứng 4.627 tỷ đồng.

Văn Phú – Invest đã giảm đáng kể nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn xuống mức 1.356 tỷ đồng, thấp hơn 26% so với giữa năm 2023. Đồng thời, công ty lại tăng cường các khoản vay dài hạn với giá trị nợ vay và thuê tài chính lên 3.271 tỷ đồng, tăng 38,5% so với thời điểm giữa năm 2023.

Số vốn huy động được sử dụng để đầu tư vào các dự án trọng điểm, mà theo như lãnh đạo Văn Phú- Invest chia sẻ với cổ đông là năm 2023 ưu tiên triển khai dự án nhà ở Phân khu 2 tại Khu đô thị phía Nam Bắc Giang, khối nhà CT2 dự án nhà ở Yên Phong- Bắc Ninh.

Thế nhưng, dòng tiền lưu chuyển kinh doanh năm 2023 của Văn Phú – Invest bị âm 754 tỷ đồng, trong khi năm ngoái dương gần 345 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty tăng cường tích trữ hàng tồn kho, chi phí lãi vay và đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do công ty tăng cường vay nợ thêm 1.318 tỷ đồng, trong khi trả nợ vay 651 tỷ đồng, dẫn tới lưu chuyển tiền thuần cả năm âm 292 tỷ đồng. Điều này phản ánh áp lực cân đối dòng tiền khó khăn, rơi vào tình cảnh xoay sở vay mới để trả nợ cũ…

Để bù đắp thiếu hụt dòng vốn, vào tháng 9/2023, Văn Phú- Invest đã thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị tối đa 650 tỷ đồng. 

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là 6 lô đất và phần diện tích sàn thương mại của Công ty TNHH MTV Đầu tư Hùng Sơn; 16,5 triệu cổ phần VPI thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT Tô Như Toàn cùng vợ-bà Đào Thị Hồng Hạnh; các tài sản khác của Văn Phú Invest, tài sản của bên thứ ba và/hoặc bên liên quan.

Dự kiến, đến ngày 31/1/2024 công ty sẽ bắt đầu chào báo lô trái phiếu này với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 11%/năm. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được Văn Phú – Invest dùng góp thêm vốn vào hai công ty con là Công ty TNHH Văn Phú Resort – Lộc Bình (góp 150 tỷ đồng) và Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú – Giảng Võ (góp 500 tỷ đồng).

Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Văn Phú – Invest đạt mức 12.533 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng đột biến tới 92%, lên mức 3.701 tỷ đồng, chủ yếu là do công ty triển khai thêm các dự án mới.

Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang rất lớn với giá trị ghi nhận 3.596 tỷ đồng, chủ yếu nằm tại các dự án lớn là Song Khê – Nội Hoàng, Vlasta Thủy Nguyên (Hải Phòng), The Terra Bắc Giang…

Hàng tồn kho rất lớn nằm ở hai dự án Song Khê – Nội Hoàng và Vlasta Thuỷ Nguyên 

Ngoài ra, Văn Phú- Invest cũng ghi nhận hơn 2.690 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang tại nhiều dự án khác như: dự án BT Phạm Văn Đồng (2.102 tỷ đồng), dự án Cồn Khương – Cần Thơ (hơn 307 tỷ đồng), Vlasta Sầm Sơn (gần 234 tỷ đồng), Lộc Bình – Thừa Thiên Huế (hơn 140 tỷ đồng),…

Tại đại hội cổ đông năm 2023, ông Triệu Hữu Đại, Tổng giám đốc VPI cho biết, Văn Phú- Invest ưu tiên hoàn thiện 2 dự án lớn tại Sầm Sơn – Thanh Hoá và dự án tại Bắc Giang trong năm 2023, để bàn giao cho khách hàng.

Sang năm 2024, quỹ đất của VPI đã sẵn sàng với 2 khu đô thị tại Bắc Giang, quy mô mỗi dự án trên 50 ha; 1 dự án tại Hải Phòng và một số các dự án khác. Công ty cũng sẽ tiếp tục phát triển quỹ đất tại các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh khác.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ