QC 1
Chủ nhật, ngày 12/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nâng lô 1.000 với cổ phiếu dưới 30.000 đồng/cp có thể giảm hơn 20% số lệnh trên sàn

Đây là chia sẻ của ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc Sở GDCK TP.HCM (HoSE) về phương án khắc phục tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên HoSE suốt mấy tháng qua và có thể áp dụng linh hoạt các giải pháp.

Khoảng 10 ngày tới HoSE sẽ chạy thử nghiệm phiên bản đầu tiên của hệ thống giao dịch dự phòng.

Trả lời VTV mới đây, ông Lê Hải Trà cho biết, nếu đặt một cái mức thị giá quá thấp cho lô 1000 thì tác động của giải pháp không hề lớn. Theo tính toán của HoSE, nếu tất cả đều áp dụng lô 1.000 thì sẽ giảm được khoảng 40 đến 50 % số lượng lệnh, nghĩa là hệ thống chúng ta gần như tăng gấp đôi.

Áp dụng lô 1.000 cho cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng/cổ phiếu thì HOSE sẽ giảm được cỡ khoảng hơn 20% số lượng lệnh.

“Chúng ta đang tìm các giải pháp tình huống, rõ ràng là khó có giải pháp tình huống nào mang tính chất trọn vẹn. Vậy nên, rất có thể chúng ta sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp tình huống cùng một lúc, mỗi thứ đó sẽ đỡ một chút thì có thể sẽ giúp cho việc quá tải của hệ thống được giải quyết một cách hiệu quả hơn”, ông Trà nói.

Đối với các doanh nghiệp mới nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE ở thời điểm này, ông Trà cho biết HoSE sẽ giải thích cho doanh nghiệp hiểu rằng họ sẽ tạm thời giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) trong lúc chờ khắc phục hệ thống nghẽn lệnh. Đây là cách làm đã được Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và 2 Sở giao dịch thống nhất để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Ông Trà cũng tiết lộ, hiện FPT đang tiến hành xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng mới dự kiến sẽ hoàn thành trong 100 ngày. Và trong khoảng 10 ngày tới sẽ bắt đầu thử nghiệm phiên bản đầu tiên của hệ thống. Tuy nhiên, đây chỉ là phiên bản thử nghiệm nội bộ để đảm bảo tính trôi chảy của hệ thống.

Trước đó, ông Lê Hải Trà cũng chia sẻ về vấn đề dù hiện tượng nghẽn lệnh đang diễn ra nhưng một số nhà đầu tư vẫn có thể vào lệnh. Theo đó, hệ thống giao dịch hiện đang chia đều khoảng 80% số lệnh cho các CTCK, còn lại 20% cho lệnh dự phòng.

Hiện nay, Top của 20, 30 các CTCK đã chiếm hơn 90% thị phần. Nếu tình trạng nghẽn lệnh xuất hiện, lúc đó các giao dịch nhỏ khác của các CTCK nhỏ khi vào hệ thống và được khớp đi chăng nữa thì cũng khó thay đổi được giá trị các chỉ số. 

Ví dụ như VN Index của 400 công ty, trong đó chỉ những lệnh nhỏ vào sẽ không thể nào tác động đến rổ chỉ số đó một cách rõ nét, do đó, khó có thể làm cho chỉ số nhảy bật lên được.

Thuật toán cũng định sẵn rằng, khi hệ thống chạy hết 80% dung lượng được phép (chủ yếu lệnh vào từ các công ty chứng khoán trong top 20 thị trường), nó sẽ chuyển sang cho phép nhận tiếp 20% dung lượng dự phòng. Phần 20% này không tính theo cách phân bổ lệnh với từng công ty, mà công ty nào nhập trước sẽ vào trước. Khi dung lượng lệnh dự phòng dùng hết, hệ thống sẽ dừng nhận lệnh của các chủ thể chạm ngưỡng tối đa.

Tuy nhiên, do thị trường vẫn có nhiều công ty chứng khoán nhỏ, chưa dùng hết dung lượng được cấp, nên hệ thống vẫn nhấp nháy lệnh chạy vào qua các công ty loại này. Ông Trà cũng nhấn mạnh thuật toán đã được định sẵn này không cho phép HoSE thay đổi hay có thể tác động vào.

Theo Thái Anh/Việt Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/kinh-te/nang-lo-1-000-voi-co-phieu-duoi-30-000-dong-cp-co-the-giam-hon-20-so-lenh-tren-san-489526