QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nga tạm dừng xuất khẩu gạo cho đến cuối năm

Ngày 29/7, Nga phát đi thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo cho đến cuối năm nay. Quyết định này được đưa ra nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa.

Thông tin từ Telegram của Chính phủ Nga: “Tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến. Hạn chế sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2023 và quyết định được đưa ra để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa.”

Là nước nổi tiếng với lúa mỳ nhưng gạo vẫn được Nga ưu tiên, khu vực trồng chủ yếu ở các vùng phía Tây Nam, gần biên giới với Azerbaijan, Gruzia và Kazakhstan. Ngoài ra, có một phần sản lượng nhỏ ở miền Đông nước Nga dọc biên giới với Trung Quốc và Triều Tiên. Khoảng 73% sản lượng gạo của Nga được trồng ở vùng Krasnodar.

Cùng ngày, ông Ferdinand Marcos Jr – Tổng thống Philippines cho biết, nước này cần tăng cường các kho dự trữ gạo và có thể sẽ tìm kiếm thỏa thuận cung ứng với Ấn Độ, do lo ngại tác động tiềm ẩn của hiện tượng thời tiết El Nino đến mùa vụ và các nhà cung cấp khác.

Phát biểu với các quan chức tại tỉnh Cagayan (miền Bắc) trong chuyến thị sát để đánh giá hậu quả của bãoDoksuri, Tổng thống Marcos cho biết: “tôi đang nghĩ về nguồn cung gạo quốc gia. Các nước Đông Nam Á đều đang chuẩn bị ứng phó với El Nino.”

Trước đó ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương (Bộ Công Thương Ấn Độ) đã ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường. Hãng tin AFP dẫn thông cáo của Bộ Thực phẩm và Các vấn đề người tiêu dùng Ấn Độ cho biết, động thái này nhằm “đảm bảo đủ nguồn cung” và “làm dịu đà tăng giá ở thị trường nội địa”. 

Ngày 25/7 kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas cho biết, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo có thể làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực và động thái này nên được đảo ngược. Đồng thời, phát biểu trước báo giới, ông Gourinchas cũng cho biết, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể sẽ gây ra tác động tương tự như việc Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị đình chỉ, khiến giá gạo ở các nước khác tăng cao.

Mặc dù phát đi thông báo tạm dừng xuất khẩu, nhưng Nga vẫn chấp nhận đưa gạo ra nước ngoài để viện trợ nhân đạo, chấp nhận các lô gạo quá cảnh qua Nga và không áp dụng lệnh cấm với các thành viên liên minh kinh tế Á – Âu, như: Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, Abkhazia.

Chủ tịch Liên minh Ngũ cốc Nga Arkady Zlochevsky chia sẻ với TASS, những hạn chế xuất khẩu gạo mà Ấn Độ đưa ra không ảnh hưởng đến thị trường Nga. Theo TASS, người Nga hàng năm tiêu thụ khoảng một triệu tấn gạo.

Theo Hoàng Lan/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/nga-tam-dung-xuat-khau-gao-cho-den-cuoi-nam-1741949004-p47190.html