QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng tuần qua: Agibank, BIDV đồng loạt đấu giá các khoản nợ hàng trăm tỷ

Agribank đấu giá khoản nợ hơn 300 tỷ đồng của ‘đại gia’ địa ốc Xuân Lãm; BIDV sắp đấu giá khoản nợ hơn 285 tỷ đồng của Thủy sản Chất Lượng Vàng; ngân hàng bức xúc vì nhiều lần kiến nghị, nhà mạng vẫn không chịu giảm cước tin nhắn… là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Agibank, BIDV đồng loạt đấu giá các khoản nợ hàng trăm tỷ
BIDV sắp đấu giá khoản nợ hơn 285 tỷ đồng của Thủy sản Chất Lượng Vàng là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng bức xúc vì nhiều lần kiến nghị, nhà mạng vẫn không chịu giảm cước tin nhắn

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng mới đây đã đã ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị về việc giảm mức giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng.

Văn bản nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 và Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm giá cước để hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông nhằm chia sẻ khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Trên tinh thần đó các doanh nghiệp viễn thông đã có nhiều chính sách giảm cước phí viễn thông cho khách hàng.

Tuy nhiên, đến nay các tổ chức tín dụng là đối tượng khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông vẫn không được xem xét giảm phí sử dụng, mặc dù các tổ chức tín dụng cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời còn phải chia sẻ khó khăn với khách hàng của mình như giảm các loại phí, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ….

Về vấn đề này, ngay từ đầu năm 2020, VNBA đã có 3 văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ với các tổ chức tín dụng thông qua việc giảm phí cước viễn thông. Song đến nay các tổ chức tín dụng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp viễn thông về giá cước tin nhắn.

VNBA cho biết hiện tại, các tổ chức tín dụng đang sử dụng dịch vụ tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các doanh nghiệp viễn thông để thông báo tới khách hàng thông tin biến động số dư tài khoản (tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm); thông tin giao dịch chi tiêu thẻ, thông tin lịch trả tiền vay/sao kê, thông tin gửi mã OTP (One-Time-Password) cho các giao dịch tài chính khách hàng thực hiện trên các kênh điện tử như Internet Banking, Mobile Banking… phát sinh ngay khi khách hàng thực hiện giao dịch.

Phó Thống đốc NHNN: Chưa giảm thêm lãi suất vì cần cân đối quyền lợi của người gửi tiền

Sau khi xuất hiện một số thông tin đồn đoán về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có những động thái mang tính nới lỏng trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay NHNN luôn cân nhắc và tính toán khi nào điều kiện chín muồi để thực hiện giảm lãi suất điều hành hay là có sự điều chỉnh mức độ đối với các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Ông Tú khẳng định khi đưa ra quyết định thay đổi điều chỉnh không phải theo ý chí chủ quan của nhà điều hành mà phụ thuộc vào tính khách quan cần thiết của nền kinh tế.

“Để đưa ra mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh phải được tính toán dựa trên yêu cầu của thực tiễn mà trước hết phải đảm bảo được mục tiêu yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp nữa đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng để đảm bảo sự ổn định tài chính của Quốc gia trong ngắn và trung hạn”, Phó Thống đốc NHNN nêu.

Ông cũng chỉ ra trong năm 2020, NHNN đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động, cho vay của các NHTM vẫn đang ổn định, lãi suất thị trường cũng cơ bản ổn định và phù hợp điều kiện chỉ số kinh tế.

“Thời điểm này, cần cân đối bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Phân tích diễn biến thị trường, ông cho biết thêm vốn khả dụng, thanh khoản của các NHTM khá dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp, cầu tín dụng của nền kinh tế không cao trong thời điểm dịch bùng phát mạnh và đang thực hiện cách ly tại nhiều địa phương. Do đó, việc giảm lãi suất điều hành hoặc điều chỉnh các công cụ khác của chính sách tiền tệ chưa phải là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay.

“NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu theo dõi rất chặt chẽ để khi nào công cụ lãi suất điều hành phát huy tác dụng thì NHNN sẽ có điều chỉnh kịp thời. Quan điểm xuyên suốt của NHNN điều hành lãi suất hợp lý theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn trước mắt, vừa có tính ổn định vĩ mô bền vững để nhanh chóng phục hồi sau khi kết thúc dịch. Bên cạnh đó, NHNN vẫn luôn quan tâm, đề phòng, đảm bảo các giải pháp điều hành hài hòa, cảnh giác với yếu tố có nguy cơ lạm phát đã và đang xuất hiện.

CEO VPBank: Vốn chủ sở hữu ngân hàng có thể đạt 120.000 tỷ đồng vào nửa đầu năm 2022

Chia sẻ tại buổi Gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và Cập nhật Kết quả Kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) diễn ra mới đây, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết tất cả các kế hoạch tăng vốn của ngân hàng đều đã nằm trên bàn nghị sự của ban lãnh đạo.

Ban lãnh đạo VPBank kỳ vọng sẽ thu về 30.000 tỷ đồng từ việc bán 49% cổ phần tại FE Credit cho đối tác Nhật Bản SMBC.

Đáng chú ý, ông Vinh đã tiết lộ kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cực “khủng” của FE Credit trong những năm tới.

Cụ thể, theo vị này, năm 2020, FE Credit dự kiến lãi 6.000 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ thực hiện được 3.700 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi Covid-19. Năm 2021 sẽ là năm khó khăn nhất khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo FE Credit kỳ vọng sẽ có sự phục hồi vào cuối năm nay và trong năm sau.

“Lợi nhuận mà chúng tôi hy vọng sẽ đạt được năm 2022 là trên dưới 6.000 tỷ đồng. Sau khi đã cùng làm việc với SMBC, FE Credit dự kiến đạt được tốc độ tăng trưởng trước khi Covid-19 diễn ra trong 4, 5 năm tới”, ông Vinh nói.

Cụ thể, năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận dự kiến lên đến 80% và duy trì mức tăng này đến năm 2025, đưa lợi nhuận của FE Credit sánh ngang với top 5 ngân hàng tại Việt Nam.

“Chúng tôi không bán con gà đẻ trứng vàng. Với 51% cổ phần, chúng tôi vẫn nhận được lợi nhuận khổng lồ trong tương lai”, Tổng giám đốc VPBank khẳng định.

“Trên thị trường hiện nay, chúng tôi chỉ đứng thứ 11 về quy mô nhưng quy mô sẽ là 1 trong những mục tiêu lớn nhất mà ban lãnh đạo VPBank nhắm tới. Trong 5 năm tới, VPBank phải tạo ra cơ sở vốn chủ sở hữu top 3 thị trường, từ đó tăng năng lực cạnh tranh, tăng tiềm năng phát triển. Kế hoạch tìm nhà đầu tư chiến lược đang và sẽ thực hiện trong quý III và quý IV”, Tổng giám đốc VPBank cho biết.

Nếu chốt được thương vụ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược trong quý IV hoặc đầu năm 2022, ông Vinh cho rằng vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ đạt trên dưới 120.000 tỷ đồng vào quý I hoặc quý II năm 2022.

BIDV sắp đấu giá khoản nợ hơn 285 tỷ đồng của Thủy sản Chất Lượng Vàng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Thủy sản Chất Lượng Vàng.

Tổng dư nợ của Công ty Thủy sản Chất Lượng Vàng tại BIDV Hậu Giang tính đến thời điểm ngày 30/6/2021 là hơn 285,4 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 218,7 tỷ đồng, dư nợ lãi là hơn 66,6 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là nhà máy chế biến thủy sản (bao gồm quyền sử dụng đất diện tích 1,5ha; công trình trên đất và hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị chế biến thủy sản) của Công ty Thủy sản Chất Lượng Vàng tại KCN Sông Hậu – giai đoạn 1, ấp Phú Hưng, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Giá khởi điểm cho khoản nợ này bằng đúng tổng dư nợ của khoản nợ tại thời điểm ngày 30/6/2021.

Được biết, Công ty Thủy sản Chất Lượng Vàng được thành lập vào ngày 1/7/2009, người đại diện theo pháp luật hiện là ông Nguyễn Hùng Cường. Ngành nghề chính của công ty là chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản.

Agribank đấu giá khoản nợ hơn 300 tỷ đồng của ‘đại gia’ địa ốc Xuân Lãm

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) – chi nhánh Mỹ Đình vừa thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm, chi nhánh Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm tại Agribank chi nhánh Mỹ Đình theo 2 hợp đồng tín dụng được ký vào năm 2013, giá trị nợ gốc của hai hợp đồng gồm 53,355 tỷ đồng và 99,341 tỷ đồng.

Toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm, chi nhánh Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm được đấu giá bao gồm tổng giá trị khoản nợ 312,491 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 122,103 tỷ đồng, nợ lãi 190,388 tỷ đồng.

Mức giá khởi điểm cho khoản nợ đấu giá là 312,491 tỷ đồng, chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Khoản vay của Tập đoàn Xuân Lãm được đảm bảo bởi các quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị với tổng trị giá 122,7 tỷ đồng. Cụ thể, 3 quyền sử dụng đất có diện tích lần lượt 2.657m2, 10.556m2 tại phường Trưng Vương, 12.607 m2 tại phường Thanh Sơn (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); 3 máy xúc lật; 1 xe ủi bánh xích.

VietinBank chưa thể bán 49% vốn tại công ty cho thuê tài chính

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố thông tin về việc gia hạn thời gian liên quan giao dịch chuyển nhượng một phần vốn góp của VietinBank tại VietinBank Leasing.

Theo VietinBank, trong thời gian qua, ngân hàng và Công ty cho thuê tài chính TNHH một thành viên Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Leasing) đã phối hợp với các đối tác nhận chuyển nhượng để chuẩn bị hồ sơ và làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để xin chấp thuận đối với việc chuyển đổi hình thức pháp lý của VietinBank Leasing.

Tuy nhiên, theo VietinBank, các cơ quan có thẩm quyền cần thêm thời gian để xem xét chấp thuận. Bởi vậy, để đảm bảo việc thực hiện giao dịch chuyển nhượng VietinBank Leasing không bị gián đoạn, ngày 11/8/2021, HĐQT VietinBank đã ban hành Nghị quyết số 291/NQ-HĐQT-NHCT2.1 về việc phê duyệt gia hạn thời gian hoàn thành giao dịch chuyển nhượng và tạm khóa tài khoản thanh toán liên quan đến giao dịch chuyển nhượng một phần vốn góp của VietinBank tại VietinBank Leasing với các đối tác.

Nghị quyết này bao gồm nội dung gia hạn thời gian tạm khóa tài khoản thanh toán tại hợp đồng tài khoản thanh toán và tạm khóa giữa VietinBank, Công ty Mitsubishi UFJ Lease& Finance (nay là Công ty Mitsubishi HC Capital) với Ngân hàng MUFG TP. HCM (chi nhánh của cổ đông lớn của VietinBank); thoả thuận tạm khoá tài khoản thanh toán giữa VietinBank, nhà đầu tư trong nước với Ngân hàng TNHH Indovina (công ty liên kết của VietinBank).

VietinBank cũng cho hay trong thời gian tới, VietinBank và VietinBank Leasing sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác nhận chuyển nhượng để đẩy nhanh tiến độ chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền đối với việc chuyển đổi hình thức pháp lý của VietinBank Leasing.

Tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng tư nhân sẽ tiếp tục ‘lấn lướt’ ngân hàng quốc doanh?

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Guotai Junan Viet Nam (IVS) trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng công bố mới đây, 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng nhìn chung được duy trì tích cực với mức tăng trung bình trên 7% tại các ngân hàng niêm yết.  Nhóm ngân hàng tư nhân top đầu có tốc độ tăng trưởng cao nhất (khoảng 10%-12% so với đầu năm) và đã chạm trần tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp trong nửa đầu năm.

Lợi nhuận toàn ngành duy trì đà tăng tích cực với mức tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh có kết quả kém tích cực nhất do ảnh hưởng tăng mạnh trích lập dự phòng. Còn nhóm ngân hàng tư nhân top trên tăng trưởng khá nhờ biên lợi nhuận NIM mở rộng và cắt giảm chi phí (MB, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank).

Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ hơn (như Viet Capital Bank, Kienlongbank) tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất nhờ một số khoản thu nhập bất thường hoặc/và giảm mạnh chi phí dự phòng.

Theo nhận định của IVS, do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh, kết quả kinh doanh quý III/2021 của toàn ngành sẽ có phần chững lại.

Tuy nhiên, với kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát tại thời điểm đầu tháng 9 cùng tiến độ tiêm vaccine được đẩy mạnh, IVS dự đoán ngành ngân hàng sẽ có quãng bứt tốc cùng mùa cao điểm trong quý IV giúp tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền tinh tế đạt 9%-10% cho cả năm 2021. Trong đó, khối ngân hàng tư nhân niêm yết tăng trưởng tín dụng trung bình 15%.

Về mặt lợi nhuận, chuyên gia của IVS cho rằng sẽ tiếp tục có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng quốc doanh, nhóm ngân hàng tư nhân dẫn đầu và nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ.

Cụ thể, quy mô nhỏ cùng tập khách hàng tập trung giúp nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ dễ dàng mở rộng quy mô tín dụng so với tổng tài sản và do đó đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh lại là nhóm chịu áp lực từ nhiều phía, như: đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng và giảm lãi suất theo chỉ đạo của NHNN; các khách hàng lớn, số lượng nhiều và chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến nguy cơ nợ xấu tăng cao; sự kém linh động hơn về số hóa, độ phủ chi nhánh lớn khiến chi phí hoạt động vẫn ở mức cao; biến động nhân sự tại VietinBank hay Vietcombank cũng sẽ đến sự thay đổi về chiến lược/quan điểm tiếp cận rủi ro của ngân hàng.

Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân có số dư nợ khoảng 200.000-400.000 tỷ đồng như Techcombank, MB, VPBank, VIB, Sacombank cũng có sự phân hóa nhất định.

Theo Hải Đường/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ngan-hang-tuan-qua-agibank-bidv-dong-loat-dau-gia-cac-khoan-no-hang-tram-ty-20180504224257284.htm