QC 1
Thứ 3, ngày 21/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Những ‘biến động’ của thị trường Viễn thông Việt Nam năm 2018

Ngành viễn thông Việt Nam trong năm 2018 đã ghi nhận nhiều sự biến động lớn. Nhiều chính sách đã được thực thi gây không ít nhiều xáo trộn, như việc siết khuyến mại cho thuê bao trả trước, yêu cầu chụp ảnh chân dung chính chủ thuê bao hay rút gọn SIM 11 số về 10 số.

Những ‘biến động’ của thị trường Viễn thông Việt Nam năm 2018.

“Siết” chặt khuyến mại thuê bao trả trước

Theo Thông tư 47 về quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, kể từ ngày 1/3/2018, các thuê bao di động trả trước sẽ chỉ nhận mức khuyến mại tối đa 20%. Thuê bao trả sau được áp dụng mức tối đa 50%.

Được biết, trước đây nhà chức trách quy định không khuyến mại thẻ nạp hơn 50% giá trị.

Đây là quy định mới theo Thông tư số 47 ngày 29/12/2017 của Bộ TT-TT về quy định hạn mức khuyến mãi đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất. Riêng các khách hàng trả sau vẫn được hưởng khuyến mãi tối đa 50%.

Thông tư cũng nêu rõ khái niệm khách hàng thường xuyên của các nhà mạng, là những thuê bao dịch vụ trả sau, hoặc thuê bao dịch vụ trả trước đã sử dụng dịch vụ liên tục một năm và có tổng giá cước đã thanh toán cho các nhà mạng từ khi đăng ký thuê bao tối thiểu là 1 triệu đồng. Khái niệm này sẽ được sử dụng khi nhà mạng thực hiện các chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng thường xuyên.

 Trường hợp nhà mạng vi phạm quy định về hạn mức khuyến mãi sẽ bị xử phạt hành chính và truy thu thuế đối với các chương trình khuyến mãi sai quy định.

Đăng ký sim, chụp ảnh chân dung thuê bao 

Tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông. Điểm đáng chú ý nhất của Nghị định 49 là ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ.

Theo Nghị định của Chính phủ, tất cả các thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4/2017 đều phải thực hiện theo yêu cầu có ảnh chụp chân dung chính chủ. Nếu không sẽ bị cắt dịch vụ nếu quá thời hạn hai tháng; với mọi thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017, nhà mạng sẽ có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới.

Theo số liệu công bố chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông: trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động trên cả nước hiện nay thì có tới hơn 80 triệu thuê bao di động thông tin là sai. Những cái sai cơ bản phải kể đến là từ tên, tuổi, ngày sinh, số chứng minh thư nhân dân, bản chụp chứng minh thư giả. Thậm chí, có nhiều chứng minh thư nhân dân của người này được gán cho số điện thoại của người khác.

Cũng tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, việc chụp ảnh chỉ áp dụng cho các thuê bao phát triển mới hoặc các thuê bao có thông tin không chính xác, phải đi đăng ký lại. Đối với các thuê bao mà doanh nghiệp có sở cứ là thông tin đã chính xác (ví dụ thuê bao trả sau, thuê bao chuyển từ trả sau sang trả trước, thuê bao mới đăng ký lại thông tin theo đúng qui định trong thời gian vừa qua) thì không cần chụp ảnh mà doanh nghiệp chỉ cần bổ sung ảnh chụp và doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về điều đó.

Tuy nhiên quy định trên đã khiến rất nhiều chủ thuê bao chen chân tới các điểm giao dịch của nhà mạng để thực hiện chụp bổ sung ảnh chân dung, gây ra tình trạng quá tải cho các nhà mạng cũng như vấp phải sự bất bình của người dung.

Chuyển sim 11 số về 10 số

Từ ngày 15/9/2018, khoảng 60 triệu thuê bao di động 11 số của các nhà mạng tạo Việt Nam đã lần lượt được chuyển đổi sang 10 số. Việc chuyển đổi này kết thúc vào ngày 30/6/2019.

Khi tiến hành chuyển đổi các nhà mạng sẽ phải quay số song song (duy trì cả số cũ và số mới) từ ngày 15/9/2018 đến ngày 14/11/2018 và duy trì âm báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Theo thông báo của Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT), thuê bao 11 số của mạng Viettel gồm các đầu số 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169 sẽ chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039.

Thuê bao 11 số của mạng MobiFone gồm các đầu số 0120, 0121, 0122, 0126, 0128 sẽ chuyển lần lượt thành 070, 079, 077, 076, 078. Thuê bao 11 số của mạng VinaPhone gồm các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 sẽ chuyển thành 083, 084, 085, 081, 082.

Thuê bao 11 số 0188, 0186 của Vietnamobile sẽ được đổi sang đầu số 056, 058. Còn thuê bao 11 số 0199 của Gtel sẽ được đổi sang đầu số 059.

Bộ Thông tin và truyền thông cho hay, việc quy hoạch và chuyển đổi đầu số mới nhằm đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường và công nghệ trong từng thời kỳ.

Chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao

Từ ngày 16/11, ba nhà mạng di động có lượng thuê bao lớn nhất là VinaPhone, Viettel và MobiFone đã chính thức triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số cho khách hàng trả sau.

Dịch vụ chuyển mạng giữ số (Mobile Number Portability – MNP) được 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone, VinaPhone cung cấp từ ngày 16/11 nhưng trước đó mới áp dụng cho các thuê bao trả sau (khoảng 6 triệu thuê bao).

Cục Viễn thông cho biết, giao dịch chuyển mạng giữ số thực hiện trong vòng 2 ngày đối với thuê bao cá nhân và 3 ngày với tổ chức, kể từ khi chủ thuê bao đến điểm giao dịch của nhà mạng chuyển đến để làm thủ tục. Theo quy định, doanh nghiệp được quyền từ chối chuyển mạng với các thuê bao có thông tin đăng ký dịch vụ không chính xác, đang có khiếu nại, tranh chấp việc sử dụng dịch vụ hoặc vi phạm hợp đồng với doanh nghiệp chuyển đi…

Các vấn đề về quy trình, quy định, theo lãnh đạo Cục Viễn thông sẽ được áp dụng theo Thông tư 35/2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Hiện nay tổng số thuê bao di động của Việt Nam khoảng 130 triệu, trong đó thuê bao trả sau chỉ chiếm khoảng 6 triệu (5%). Như vậy có khoảng hơn 120 triệu thuê bao di động trả trước của ba nhà mạng lớn có thể được áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số.

Theo Thanh Tâm/VietnamFinance