QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Những mâu thuẫn khi phát triển tài chính số

Sự biến chuyển quá nhanh của công nghệ đem lại nhiều sự tiện dụng nhưng cũng khiến con người lo sợ. Tuy nhiên, cũng giống như dù sợ bị móc túi nhưng người ta vẫn đi chợ, sẽ đến lúc nỗi sợ không còn là yếu tố có thể cản trở một xu thế quá lớn ập tới.

Mua xôi, thanh toán bằng QR Code

Suy ngẫm từ chuyện “gửi một nơi rút nhiều nơi”

Một trong những mâu thuẫn đầu tiên phát sinh trong quá trình phát triển nền kinh tế số, nền tài chính số là lo ngại các công nghệ tự động hóa sẽ “cướp” đi việc làm của con người. Điều này trên thực tế đã diễn ra và ngày càng mang tính thời sự bởi công nghệ ngày càng mô phỏng sát hơn tư duy của con người.

Quan sát làn sóng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng trong hơn 20 năm qua, một chuyên gia lâu năm chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính rằng mặc dù sự phát triển của công nghệ khiến nhiều công việc mất đi nhưng nhiều công việc mới lại được sinh ra.

“Ngày xưa, khách hàng gửi tiền ở đâu thì phải đến đúng chi nhánh đó để rút tiền, nếu rút ở nơi khác thì rất khó khăn, thậm chí mất vài ngày. Từ khoảng năm 2005 bắt đầu chứng kiến cuộc cách mạng mang thông điệp “gửi một nơi, rút nhiều nơi”, tức là khách hàng gửi tiền ở một nơi nhưng có thể rút tiền ở nơi khác một cách nhanh chóng, đem lại lợi ích rất lớn cho người dân. Việc chuyển tiền liên ngân hàng từ chỗ làm thủ công, hết sức vất vả và tiêu tốn nhiều nhân lực, về sau này chỉ mất 3 ngày, sau đó rút xuống còn 1 ngày, rồi 4 tiếng, rồi 3 giây như hiện nay. Sau những cuộc cách mạng như vậy, việc làm tại các ngân hàng không những không giảm mà còn tăng, nhiều loại hình công việc mới được hình thành, thu nhập người lao động tăng lên, ngân hàng ngày càng phình to ra”, vị này nói.

Tại một ngân hàng tốp đầu Việt Nam hiện nay, 93% giao dịch được thực hiện trên kênh số. Chỉ có 7% giao dịch được thực hiện qua chi nhánh, phòng giao dịch, trong khi trước đây, kênh này chiếm tỷ trọng hàng chục phần trăm. Tuy nhiên, quy mô giao dịch qua chi nhánh, phòng giao dịch không những không “teo” đi mà còn tăng trưởng gấp 4 lần so với cách đây 2 năm. Lượng người xử lý giao dịch tại quầy có lúc vẫn quá tải, phải bổ sung thêm nhân lực.

“Số tương đối nhỏ đi nhưng số tuyệt đối vẫn gia tăng, cho thấy miếng bánh chung đang phình ra, cũng có nghĩa là làn sóng chuyển đổi số đã kích thích nhu cầu giao dịch. Cho đến thời điểm này, tôi vẫn chưa cảm nhận được sự tiêu cực từ mất việc do ảnh hưởng bởi công nghệ dù trên thực tế là có. Tất nhiên, nội hàm của công việc sẽ phức tạp hơn, chẳng hạn, nhân viên chi nhánh, phòng giao dịch thay vì trước đây chỉ làm thủ tục cho khách hàng thì nay phải tư vấn, hướng dẫn họ đăng ký sử dụng dịch vụ online, cách sử dụng mobile banking, các sản phẩm đầu tư phù hợp với họ… Tức là ở đây có sự thay đổi về chất”, lãnh đạo ngân hàng tốp đầu trên chia sẻ.

Mua xôi, thanh toán bằng QR Code

Sự biến chuyển quá nhanh của công nghệ đem lại nhiều sự tiện dụng nhưng cũng khiến con người lo sợ. Đó có thể là nỗi sợ AI phát triển đến mức nằm ngoài sự kiểm soát của con người, hay đơn giản hơn là nỗi sợ về quyền riêng tư bị xâm phạm, dữ liệu cá nhân bị đánh cắp. Đối diện với nỗi sợ, phản ứng phòng vệ sẽ được sinh ra và đây sẽ là yếu tố kìm hãm sự phát triển của công nghệ số.

Nhiều người tìm cách hóa giải mâu thuẫn này nhưng đến một thời điểm nào đó, con người sẽ phải lựa chọn phương án phù hợp nhất và chấp nhận những mặt trái của nó.

Là người phụ trách chuyển đổi số cho một tổ chức tín dụng nhưng anh P. vẫn bất ngờ khi thanh toán QR Code khi đi… mua xôi. “Mua xôi ở một quán bình dân, theo thói quen tôi rút tiền mặt ra trả nhưng chị bán xôi nói rằng nếu được thì hãy thanh toán qua QR Code. Lúc này, tôi hơi bất ngờ và cho rằng hẳn là chị đã nhận được ưu đãi từ ngân hàng nên mới khuyến khích khách hàng thanh toán qua QR Code. Thế nhưng hỏi kỹ ra mới biết chị không nhận được ưu đãi nào mà là bởi từ mùa dịch, chị có bán xôi online, ở nhiều thời điểm, shipper rất đông và vội vàng nên không thể nào thanh toán bằng tiền mặt, bắt buộc phải dùng QR Code”, anh P. kể lại.

“Khi cả hệ sinh thái đã dịch chuyển thì mỗi người trong hệ sinh thái cũng phải dịch chuyển. Quá trình chọn lọc tự nhiên ngấm dần mà con người không hề hay biết và đến một thời điểm, chẳng hạn khi dịch Covid-19 xảy ra, con người buộc phải lựa chọn một phương án tối ưu. Tất nhiên vẫn còn những nỗi sợ, tuy nhiên cũng giống như dù sợ bị móc túi nhưng người ta vẫn đi chợ. Sẽ đến lúc nỗi sợ không còn là yếu tố có thể cản trở một xu thế quá lớn ập tới”, anh P. chiêm nghiệm.

Một nghiên cứu về thái độ của công chúng đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân thông qua khảo sát người Đức, Anh và Hoa Kỳ kết luận rằng mặc dù hầu hết mọi người chấp nhận các dịch vụ được cá nhân hóa nhưng nhìn chung họ phản đối việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân, đặc biệt là các thông tin nhạy cảm. Tuy nhiên, nghiên cứu nhấn mạnh công chúng coi trọng quyền riêng tư của dữ liệu nhưng cũng coi trọng việc thụ hưởng các dịch vụ được cá nhân hóa (để cá nhân hóa được dịch vụ thì buộc phải thu thập và tiến hành phân tích dữ liệu cá nhân). Do đó, công chúng có xu hướng đánh đổi giữa lợi ích trước mắt và rủi ro trong tương lai. Khi được hỏi về thái độ của họ với vấn đề này, họ thừa nhận rằng quyền riêng tư của dữ liệu và các dịch vụ được cá nhân hóa ở một chừng mực nào đó là mâu thuẫn với nhau. Đây là một dạng “nghịch lý quyền riêng tư”, thể hiện sự khác biệt giữa mối quan tâm về quyền riêng tư và hành vi thực tế của công chúng.

Tất nhiên, các bên cũng phải hành động để giảm bớt mâu thuẫn trong kỷ nguyên số. Chẳng hạn, các cơ quan quản lý nhà nước cũng có nghĩa vụ phải xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là trong vấn đề sử dụng và bảo vệ dữ liệu cũng như đảm bảo quyền của chủ thể dữ liệu. Hoặc như với vấn nạn tin giả, các ngân hàng đã phải tốn không ít chi phí để “quét rác” liên tục, đồng thời lấy thông tin sạch để đè thông tin giả, liên tục truyền thông tới khách hàng để cảnh báo nạn giả mạo.

Theo Thanh Long/Vietnam Finance

Nguồn: https://m.vietnamfinance.vn/nhung-mau-thuan-khi-phat-trien-tai-chinh-so-20180504224283450.htm