QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nông nghiệp BaF: Loạt “sếp lớn” tháo chạy, tổ chức liên quan đến Chủ tịch HĐQT tìm đến

Trên thị trường chứng khoán, gần đây cổ phiếu BAF liên tục giảm mạnh nhưng dàn lãnh đạo Nông nghiệp BaF Việt Nam vẫn bán ra cổ phiếu để giảm sở hữu. Cụ thể, từ 18/7 – 19/10, cổ phiếu BAF giảm 29% từ 38.050 đồng về mức 27.100 đồng/cp, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 1,9 triệu đơn vị.

Lãnh đạo báo cáo kết quả giao dịch tại Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF – sàn HoSE). Theo đó, bà Bùi Hương Giang, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc vừa bán ra 13.852.250 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 13,25% về 3,6% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 5/10 – 18/10. Như vậy, sau giao dịch bà Giang không còn là cổ đông lớn tại BAF.

Trước đó, ông Phan Ngọc Ân, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc vừa bán ra 6.593.700 cổ phiếu BAF để giảm sở hữu từ 6,32% về còn 1,73% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 7/10 – 11/10. Như vậy, sau giao dịch ông Ân không còn là cổ đông lớn tại Nông nghiệp BaF Việt Nam.

Ước tính theo giá đóng cửa ngày 11/10 là 23.000 đồng/cp, ông Ân đã thu về 151,7 tỷ đồng từ bán hơn 6,59 triệu cổ phiếu BAF.

Ngoài ra, ông Lê Xuân Thọ, Thành viên HĐQT Nông nghiệp BaF Việt Nam vừa bán ra 2.075.400 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 2% về còn 0,55% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 4/10 thông qua khớp lệnh thỏa thuận.

Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 4/10 là 21.050 đồng/cp, ước tính ông Thọ đã thu về số tiền lên tới 43,7 tỷ đồng từ việc bán ra hơn 2 triệu cổ phiếu.

Theo tìm hiểu, ông Thọ sinh năm 1970 và được bổ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT không điều hành tại Nông nghiệp BaF Việt Nam từ tháng 3/2021 tới nay.

Trên thị trường chứng khoán, gần đây cổ phiếu BAF liên tục giảm mạnh nhưng lãnh đạo vẫn bán ra cổ phiếu để giảm sở hữu. Cụ thể, từ 18/7 – 19/10, cổ phiếu BAF giảm 29% từ 38.050 đồng về mức 27.100 đồng/cp, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 1,9 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu BAF thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)
Siba Holdings muốn mua thêm 24,6 triệu cổ phiếu BaF

Trái ngược với chiều bán ra, Công ty CP Siba Holdings vừa thông báo đăng ký mua thêm hơn 24,6 triệu cổ phiếu BAF của Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam từ ngày 30/9 – 28/10/2022. Nếu giao dịch thành công, cổ đông lớn nhất của Nông nghiệp BaF Việt Nam là Siba Holdings sẽ nâng sở hữu tại BAF từ 29,42 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 20,5% lên hơn 54 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 37,65%. Tổ chức này chính thức là cổ đông lớn của BAF từ đầu năm 2022.

Được biết, ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT Nông nghiệp BaF Việt Nam hiện cũng đồng thời nắm ghế Chủ tịch HĐQT Siba Holdings.

Nếu tạm tính với mức thị giá hiện tại, Siba Holdings sẽ phải chi khoảng 560 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu BAF đã đăng ký.

Trước đó, ngày 10/8/2022, Nông nghiệp BaF Việt Nam thông qua nghị quyết Đại hội cổ đông bằng hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trong đó, miễn chào mua công khai đối với Công ty CP Siba Holdings, đơn vị này dự kiến sẽ nâng sở hữu từ 20,5% lên 40,5% vốn điều lệ tại Nông nghiệp BaF Việt Nam.

Trong lần đăng ký giao dịch sắp tới, Công ty CP Siba Holdings đăng ký giao dịch ít hơn lượng cổ phiếu dự kiến giao dịch tại Nghị quyết đại hội ngày 10/8/2022.

Nông nghiệp BaF Việt Nam bất ngờ dừng phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu

Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam bất ngờ thông qua việc tạm rút hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022. Cụ thể, ngày 15/8/2022, Nông nghiệp BaF Việt Nam đã thông qua kế hoạch triển khai phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022. Trong đó, Nông nghiệp BaF Việt Nam dự kiến phát hành tối đa 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation) – thành viên của Ngân hàng Thế giới (viết tắt IFC).

Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 7 năm kể từ ngày phát hành, đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, phát hành tại thị trường trong nước và dự kiến phát hành trong quý III tới quý IV/2022. Mức lãi suất danh nghĩa dự kiến 5,25%/năm.

Điểm đáng lưu ý, nếu bên mua không chuyển đổi trái phiếu sẽ nhận thêm lãi suất bổ sung 5,25%/năm và lãi suất bổ sung được tính lãi kép ở mức 10,5%/năm.

Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 230 tỷ đồng để góp vốn tăng vốn điều lệ và hỗ trợ vay vốn tại Công ty CP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh; 100 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ và hỗ trợ vay vốn Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 2; 40 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh từ 40 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng; 65 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông An Khánh từ 20 lên 85 tỷ đồng; 65 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Chăn nuôi Nam An Khánh từ 20 tỷ đồng lên 85 tỷ đồng; 40 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 1 từ 40 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng; 30 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Chăn nuôi Bảo Ngọc từ 20 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng; và 30 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Anh Vũ Phú Yên từ 50 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng.

Lý do về việc tạm dừng kế hoạch phát hành, Nông nghiệp BaF Việt Nam cho biết, ngày 16/9, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Hội đồng quản trị BAF nhận thấy một số nội dung đã nêu tại phương án không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay theo quy định mới của Nghị định 65. Do đó, HĐQT đã nhất trí thông qua việc tạm rút hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để tiến hành điều chỉnh lại phương án cho phù hợp và nộp lại hồ sơ trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, Nông nghiệp BaF Việt Nam vừa phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu đợt 1, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 10,5%/năm và định kỳ trả lãi 6 tháng một lần. Ngày kết thúc đợt chào bán là 23/8/2022. Như vậy, sau khi phát hành thành công, tổng nợ của BAF sẽ tăng từ 3.205,5 tỷ đồng lên 3.505,5 tỷ đồng (bằng 2,2 lần vốn chủ sở hữu).

Xét về cơ cấu nhà đầu tư tham gia đợt chào bán 3 triệu trái phiếu (mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu) bao gồm 1 nhà đầu tư cá nhân mua 3.045 trái phiếu chiếm 0,102% tổng lượng trái phiếu phát hành; 4 nhà đầu tư tổ chức trong nước mua 1.218.272 trái phiếu, chiếm 40,609% tổng lượng trái phiếu phát hành; và 4 tổ chức nước ngoài mua 1.778.683 trái phiếu, chiếm 59,289% tổng lượng trái phiếu phát hành. Như vậy, có tổng 9 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành trái phiếu này.

Được biết, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.

Thực tế thị trường trái phiếu từ đầu năm tới nay liên tục chịu áp lực từ vụ phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh đầu năm và mới đây là sự kiện liên quan đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn An Đông. Thêm nữa, VKC Holdings cũng vừa công bố mất khả năng thanh toán lãi cho lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng.

Những sự kiện trên đã dẫn tới lượng phát hành trái phiếu suy giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022 và các doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn để tránh rủi ro pháp lý.

Theo Khánh Vân/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nong-nghiep-baf-loat-sep-lon-thao-chay-to-chuc-lien-quan-den-chu-tich-hdqt-tim-den-154286.html