QC 1
Chủ nhật, ngày 19/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phố Wall sẽ đi về đâu trong năm 2019

Đối với các nhà đầu tư chứng khoán, họ đang mong chờ năm 2019 hơn bao giờ hết, sau những biến cố đã xảy ra trong năm vừa qua.

Ảnh: New York Pos


Một trong những công cụ đo lường toàn diện nhất của thị trường chứng khoán- chỉ số S&P 500 đã có một năm đầy thăng trầm với nỗi lo sợ đến từ chiến tranh thương mại, việc tăng lãi suất cũng như tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu.

Những yếu tố trên đã đẩy thị trường đến gần hơn với một thị trường “giá xuống” và 2018 có thể nói là năm tài chính tồi tệ nhất trong một thập kỷ trở lại đây, kể từ thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Nhiều chuyên gia Phố Wall cho rằng 2019 vẫn là một năm khó khăn đối với thị trường khi rất nhiều thách thức đang chờ đón, nhưng họ cũng kỳ vọng vào một “sự đảo chiều” khi thị trường đã trải qua tháng 12 tồi tệ nhất kể từ thời kỳ đại suy thoái.

Bloomberg đã tiến hành thu thập thông tin từ các bản dự báo cuối năm của các chuyên gia thị trường chứng khoán đến từ 19 ngân hàng có trụ sở tại Phố Wall và theo đó, chỉ số S&P 500 được dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng mạnh bình quân 25% vào năm sau.

Những người lạc quan nhất dự đoán thị trường tăng trưởng lên đến 35% vào năm sau, trong khi những người bi quan nhất, cũng dự đoán thị trường tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn rất nhiều: khoảng 14%.Hàng triệu người dân Mỹ đang tham gia vào các quỹ tương hỗ hoặc các quỹ hoán đổi có quan hệ mật thiết với chỉ số S&P 500, do đó, những diễn biến của chỉ số này sẽ quyết định đến “diễn biến” của những quỹ trên vào năm sau.

Liệu có một cái kết đẹp?

Rất nhiều chiến lược gia cho rằng chỉ số S&P 500 vào thời điểm kết thúc năm 2019 sẽ cao hơn so với con số 2.417 khi đóng phiên hôm 21/12 vừa qua, kết quả trung bình mà họ đưa ra lên đến 3.029.

Người đưa ra mức tăng trưởng cao nhất là Binky Chadha, chiến lược gia trưởng của ngân hàng Deutsche Bank. Ông dự đoán chỉ số S&P 500 kết thúc năm 2019 ở mức 3.250, tâm lý trên thị trường không quá bi quan và các cổ phiếu được giao dịch ở mức cao hơn 12% so với thời điểm hiện tại. Dự báo của ông phản ảnh mức tăng 34,5% so với khi đóng phiên hôm 21/12.

Với mức dự đoán này, Chadha là người lạc quan nhất trên thị trường. Người đưa ra mức tăng trưởng lớn hơn trước đó, Jonathan Golub, đến từ Credit Suisse đã hạ con số dự đoán từ 3.350 xuống còn 2.925.

Thị trường giảm điểm nhanh chóng vào tháng 12, rất có thể nhiều chuyên gia chứng khoán Phố Wall cũng sẽ phải xem xét lại những dự đoán của họ.

Hiện tại, bản dự đoán khiêm tốn nhất thuộc về Michael Wilson- chiến lược gia chứng khoán đến từ ngân hàng Morgan Stanley. Ông dự đoán chỉ số S&P 500 kết thúc năm 2019 ở mức 2.750, tương đương với mức tăng 13,8%.

Kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm lại trong năm mới vì những sự bất ổn liên quan đến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tiến trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên các chiến lược gia không ai dự báo về một thời kỳ suy thoái.

Họ quan ngại nhiều hơn về sự giảm sút trong tốc độ gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp trong năm tới, khi nó có thể rơi xuống mức một con số. Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2018 lên đến hơn 20%. Chỉ số này còn bị ảnh hưởng bởi tác động từ chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp do Tống thống Trump đưa ra dần phai nhạt, sự tăng trưởng chậm lại của các quốc gia châu Âu và Trung Quốc cũng như chi phí vay tài chính ngày một tăng.

Góc nhìn lạc quan nhất

Giải thích cho kỳ vọng vào năm 2019, Chadha cho rằng thị trường đã hứng chịu đủ những tin không tốt trong năm 2018.

Ông dự đoán thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm thông qua sự tăng trưởng thu nhập của các công ty vào giai đoạn cuối năm 2019, qua đó có thể tạo ra mức gia tăng lợi nhuận cố định khoảng 9% cho S&P 500. “Sức tăng trưởng ngầm đang diễn ra rất mạnh mẽ”, ông viết.

Chadha cũng ý thức rằng thị trường sẽ hồi phục chậm sau quãng thời gian khó khăn vào năm 2018. “Sẽ phải mất một khoảng thời gian để thị trường có thể quay trở lại thời kỳ đỉnh cao trước đó”, ông viết trong báo cáo triển vọng chứng khoán vào cuối tháng 11 vừa qua, thời điểm trước khi thị trường đi xuống trầm trọng. “Sự bất ổn này sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”.

Ảnh: EPA.

Ông cũng chia sẻ một vài yếu tố sẽ giúp nâng giá cổ phiếu vào năm sau.

Cũng giống năm 2018, sức mua lớn chủ yếu sẽ đến từ chính những doanh nghiệp, Chadha dự đoán. Ông cho rằng 2019 là một năm mà các công ty sẽ tiến hành mua lại cổ phiếu.

Cho rằng tỷ lệ lạm phát sẽ không cao hơn mức mục tiêu 2% trong một khoảng thời gian dài, Chadha cũng bày tỏ sự tin tưởng vào những quyết định của Fed. “Chúng tôi không thấy khả năng Fed tăng lãi suất để kìm hãm tăng trưởng kinh tế”, ông cho biết.

Phát biểu về sự sụt giảm của thị trường trong thời gian gần đây, ông cho biết: “thị trường đang được định giá giữa những mối lo về một thời kỳ suy thoái”. Tuy nhiên, những chỉ số kinh tế quan trọng, báo hiệu sự “lao dốc” của nền kinh tế, thì vẫn “chưa hề xuất hiện”.

Góc nhìn bi quan nhất

Wilson là một trong những chuyên gia đầu tiên tại Phố Wall cảnh báo về những khó khăn mà thị trường chứng khoán sẽ vấp phải. Ông dự đoán thị trường vẫn rơi vào thời kỳ giá xuống, nhận định mức thu nhập “đáng thất vọng” sẽ là nguyên nhân kìm hãm đà tăng trưởng trong năm mới, theo “Triển vọng chứng khoán Mỹ 2019” được công bố hôm 26/11.

Wilson cho rằng thị trường sẽ vẫn giữ xu hướng tăng giá trong dài hạn cho dù có sự sụt giảm trong thời gian gần đây. Ông nhận định năm 2019 sẽ diễn biến “khá giống với 2018”.

Các nhà đầu tư phải chuẩn bị sẵn sàng cho một năm đầy biến động nữa, ông viết. Ông cho biết ông sẽ “không hề ngạc nhiên” nếu như chỉ số S&P được giao dịch trong khoảng từ 2.400 đến 3.000. Theo đó, thị trường chứng khoán có thể chỉ chứng kiến mức sụt giảm 1% hoặc thậm chí đạt được mức tăng mạnh 24% trong năm tới.

Các nhà đầu tư nên kỳ vọng vào đà tăng “từng chút, từng chút một” của thị trường.

Tin tốt là giá trị thị trường hiện tại đã thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm nay, điều đó có nghĩa là những tác động xấu lên giá cổ phiếu đã xảy ra gần như toàn bộ, theo Wilson.

Đó là hệ quả của hai lần giảm sâu lên đến hơn 10% giá trị thị trường, hay còn gọi là các giai đoạn “hiệu chỉnh”, trong năm 2018. Hệ số giá trên lợi nhuận (P/E), con số phản ánh số tiền mà các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra để mua vào 1 cổ phiếu, đã sụt giảm mạnh từ mức đỉnh 18,5 lần vào cuối năm 2017 xuống mức khoảng 15 lần vào cuối tháng 10. Đó là “lần sụt giảm nghiêm trọng nhất mà thị trường từng trải qua kể từ năm 2011”, ông cho biết thêm.

Ngược lại, năm 2019 sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ “sự tăng trưởng đáng thất vọng” và chỉ số P/E sẽ không biến động quá lớn, Wilson dự đoán.

Tăng trưởng kinh tế chững lại sẽ đẩy lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống. Giới phân tích sẽ hạ thấp ước tính tăng trưởng lợi nhuận họ dự báo cho năm 2019.

Tỷ lệ S&P 500 phỉa chịu một đợt suy thoái lợi nhuận vừa phải, tức có 2 quý liên tiếp tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước đó, là “trên 50%”.

“Thị trường giá xuống hiện tại chưa tới ‘điểm cuối’, đến khi các chỉ số giảm thêm trong năm 2019”, theo Wilson. Ông nhắc nhở nhà đầu tư cần kiên nhẫn, thị trường không thể phục hồi nhanh sau khi phải trải qua một “đợt sốc” như cuối năm 2018. “Cần nhiều tháng, thậm chí hàng quý, để ổn định”.

Theo Trọng Đại/Thời báo Chứng khoán

Theo USA Today