QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Quá hạn nộp thuế gần 680 tỷ đồng, FLC bị cưỡng chế thuế

Tập đoàn FLC (mã: FLC) bị ngừng sử dụng hóa đơn do chưa nộp thuế quá hạn 678 tỷ đồng, cùng với đó áp dụng biện pháp cưỡng chế là trích tài khoản ngân hàng để thu hồi nợ thuế.

Cục thuế TP Hà Nội vừa ban hành quyết định điều chỉnh áp dụng cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và trích tài khoản ngân hàng.

Lý do là FLC đã nợ thuế quá hạn nộp hơn 678 tỷ đồng, buộc phải cưỡng chế thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Trước đó, hồi tháng 7/2023, tập đoàn này có số tiền quá hạn nộp là hơn 590 tỷ đồng.

Quá hạn nộp thuế gần 680 tỷ đồng, FLC bị cưỡng chế thuế 

Thời gian qua, FLC liên tục bị thông báo nợ thuế hàng trăm tỷ đồng và không chấp hành nộp theo thông báo của Cục thuế Hà Nội, Chi cục thuế Khu vực TP Sầm Sơn- Quảng Xương, Cục thuế tỉnh Quảng Bình và Ban quản lý Khu kinh tế TP Quy Nhơn.

Để thu số tiền nợ thuế hơn 678 tỷ đồng, Cục thuế TP Hà Nội sẽ thực hiện cưỡng thuế trích tiền từ tài khoản của FLC ở các ngân hàng.

Trong trường hợp tài khoản còn ít hơn số tiền cưỡng chế, các ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi để trích tiền phát sinh.

Tổng số tiền cưỡng chế gần 90 tỷ đồng, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp (61 tỷ đồng), thuế thu nhập cá nhân (14 tỷ đồng), tiền chậm nộp…

Không chỉ nợ thuế lớn, mà Tập đoàn FLC còn bị Sở Giao dịch chứng khoán HoSE hủy niêm yết bắt buộc đối với 710 triệu cổ phiếu FLC vào tháng 2/2023. Tiếp đó, HNX đã ra quyết định đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC khi mã này chuyển xuống UPCoM.  

Nguyên nhân là do FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố các báo cáo tài chính gồm: Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, năm 2022, Báo cáo tài chính quý I, II, III/2023 và báo cáo tài chính bán niên 2023 đã soát xét.

Tập đoàn FLC cho biết đã ký hợp đồng kiểm toán các báo cáo tài chính và đang nỗ lực phối hợp cùng Công ty Kiểm toán UHY để sớm thống nhất số liệu, công bố thông tin theo quy định.

Do đó, hiện tình hình “sức khỏe” tài chính của FLC sau biến cố lao lý của ông Trịnh Văn Quyết và các lãnh đạo chủ chốt ra sao, hiện vẫn là một ẩn số.

Mới đây, ngày 2/1/2024, FLC đã triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông nhưng bất thành do không có đủ tỷ lệ tham gia theo quy định. Cuộc họp này dự kiến thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm, đồng thời báo cáo kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp.

FLC hiện là một trong những doanh nghiệp có số lượng nhà đầu tư đông đảo nhất thị trường với 64.179 cổ đông. Trong đó cựu chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết có tỷ lệ sở hữu lớn nhất với 30,34% vốn điều lệ.

Theo Diệp Anh/ Tạp chí Việt – Mỹ