Sau 12 lần dự thảo gây nhiều tranh cãi, nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, dự kiến nghị định sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 30/12.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ rà soát dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sau nhiều hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khảo sát kinh nghiệm của các nước; lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp… Dự thảo nghị định đã 2 lần lấy ý kiến thành viên Chính phủ, lấy ý kiến của 6 Bộ trưởng, ngành liên quan.
Bên cạnh đó, Thủ tướng và các Phó thủ tướng đã có nhiều cuộc họp, chỉ đạo hoàn thiện. Đến nay, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, dự thảo nghị định vẫn còn một số nội dung cần phải tiếp tục xem xét kỹ lưỡng hơn.
Để đảm bảo tính khả thi của nghị định, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo vai trò của quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, cũng như đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh vận tải… Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/12.
Trong đó, tập trung rà soát, làm rõ hơn các nội dung liên quan đến đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải, đảm bảo chặt chẽ về pháp lý.
Rà soát kỹ các nội dung quy định về kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình giữa các cơ quan quản lý Nhà nước (ngành Công an, GTVT, Tài chính… để đáp ứng yêu cầu quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cát cứ trong sử dụng dữ liệu, làm nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm trong quản lý, điều hành giao thông vận tải.
Đồng thời rà soát kỹ toàn bộ dự thảo nghị định, loại bỏ các nội dung không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật có liên quan.
Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ cùng với Bộ Giao thông vận tải hoàn chỉnh lại dự thảo nghị định, báo cáo Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 30/12/2019.
Trước đó, nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã có 12 lần dự thảo gây tranh cãi, đặc biệt là với các quy định về quản lý loại hình taxi công nghệ.
Trong các bản dự thảo trước, Bộ Giao thông vận tải quy định cả 2 loại taxi công nghệ và truyền thống đều phải có phù hiệu “Taxi” và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ “Taxi” gắn cố định trước nóc xe, kích thước tối thiểu 15×30 cm.
Ngay sau đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải huỷ bỏ quy định gắn hộp đèn trên nóc xe công nghệ, loại bỏ ngay các điều kiện kinh doanh vận tải không cần thiết, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý với loại hình này.
Trong dự thảo lần thứ 10, Bộ Giao thông vận tải đã bỏ quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe và đưa ra có đề xuất dán chữ phản quang trên kính trước và sau nhằm dễ nhận diện.
Tại bản dự thảo mới nhất, sau khi tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho các xe taxi (thanh toán bằng đồng hồ và thanh toán điện tử) không nhất thiết phải gắn hộp đèn (mào) có chữ “TAXI” trên nóc xe mà có thể dán cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu là 6×20 cm.
Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI”.
Theo Trần Lưu/VietnamFinance