QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

SMBC ‘rộng đường’ trở thành đối tác chiến lược của VPBank?

KBSV đánh giá cao khả năng SMBC sẽ trở thành đối tác chiến lược của VPBank trong đợt chào bán cổ phần sắp tới.

SMBC 'rộng đường' trở thành đối tác chiến lược của VPBank?
SMBC ‘rộng đường’ trở thành đối tác chiến lược của VPBank?

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra hồi tháng 4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 27,9% so với năm 2020 dựa trên các yếu tố: dư nợ tín dụng tăng 16,6%, dư nợ tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 19,2%, tổng tài sản tăng 17,5%; tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ dưới 3%.

Đáng chú ý, ban lãnh đạo VPBank dự kiến vốn chủ sở hữu của ngân hàng sẽ vượt mốc 90.000 tỷ đồng vào cuối năm nay nhờ nguồn tiền từ thương vụ bán vốn tại FE Credit, lợi nhuận tích lũy, thu nhập từ ký kết lại hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra còn có triển vọng bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Cuối tháng 4/2021, VPBank chính thức bán 49% cổ phần FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, là công ty con của tập đoàn SMBC, là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Giá trị của FE Credit vào thời điểm bán vốn được định giá 2,8 tỷ USD khiến VPBank nhiều khả năng đã thu về khoảng 1,4 tỷ USD.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong báo cáo phân tích công bố mới đây, thương vụ thoái vốn này đem lại lợi ích lớn đối với VPBank. Theo đó, lượng tiền lớn thu được là sự bổ sung mạnh mẽ vào nguồn vốn của ngân hàng, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) trong bối cảnh phân khúc khách hàng chính của VPBank là tầng lớp bình dân, trung lưu chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc hợp tác với SMBC, một tập đoàn tầm cỡ toàn cầu là cơ hội để FE Credit và VPBank có thể học hỏi, cải thiện hệ thống quản trị, nguồn lực và mở rộng mạng lưới.

KBSV cho hay VPBank kì vọng có đối tác chiến lược vào cuối năm 2021 và SMBC là một ứng cử viên sáng giá.

“Tính đến ngày 18/5/2021, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của VPBank đạt 21,76%, dư 8,24% so với mức tối đa 30% do ngân hàng nhà nước quy định. VPBank đang trong quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược từ năm 2019 và mới đây, lãnh đạo VPBank chia sẻ nếu khả quan sẽ tìm được đối tác chiến lược vào cuối năm 2021 và động thái giảm room khối ngoại tối đa về 15% được cho là bước đi dọn đường để đón cổ đông chiến lược”, chuyên gia của KBSV nhấn mạnh.

KBSV đánh giá cao khả năng SMBC sẽ trở thành đối tác chiến lược của VPBank dựa trên một số yếu tố. Thứ nhất, SMBC có tham vọng lớn tại Việt Nam. SMBC hiện tại đang là cổ đông chiến lược của Eximbank (EIB) với 15% cổ phần và đã từng ngỏ ý mua lại ngân hàng 0 đồng GPBank. Mặc dù có kì vọng lớn tuy nhiên SMBC chưa có được thành công như các đối thủ của mình là Mizuho Bank, Ltd (đầu tư vào Vietcombank) hay MUFG (đầu tư vào VietinBank).

“Trở thành cổ đông chiến lược của VPBank, một trong các ngân hàng thương mại cổ phần tốt nhất Việt Nam sẽ là bước đi tái khẳng định tham vọng của SMBC tại thị trường Việt Nam”, công ty chứng khoán này đánh giá.

Thứ hai là mối quan hệ sẵn có giữa SMBC với VPBank sau thương vụ mua bán FE Credit. Theo KBSV, thương vụ bán vốn ngân hàng này nếu diễn ra hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho VPBank như tăng nguồn vốn hoạt động, tăng các khoản tiền gửi ngoại tệ từ đó cải thiện CASA…

Công ty chứng khoán này dự báo mức vốn chủ sở hữu của VPBank cuối năm 2021 sẽ đạt 91.580 tỷ đồng và tăng lên 114.124 tỷ đồng vào năm 2022.

KBSV đưa ra định giá hợp lý cho mỗi cổ phiếu VPB là 76.800 đồng.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn vị tư vấn cho các thương vụ bán vốn gần đây của VPBank, định giá mỗi cổ phiếu VPB ở mức 85.700 đồng.

VCSC cho rằng VPBank sẽ chào bán cổ phiếu cho 1 nhà đầu tư chiến lược với đợt đầu tiên là 60,2 triệu cổ phiếu quỹ vào năm 2021, tiếp theo là đợt chào bán hơn 344 triệu cổ phiếu trong năm 2022, giúp hệ số an toàn vốn nâng lên mức 18,5%, cao hơn rất nhiều quy định tối thiểu hiện tại là 8%.

Trên thị trường tài chính gần đây, giới đầu tư “truyền tay” nhau các kịch bản tăng vốn của VPBank, theo đó, nếu kịp phát hành cổ phiếu nhà đầu tư chiến lược trong năm 2021, vốn chủ sở hữu của VPBank có thể sẽ vượt 100.000 tỷ đồng, còn nếu chỉ kịp bán cổ phiếu quỹ, mức vốn chủ sở hữu cuối năm sẽ ở mức khoảng trên 81.000 tỷ đồng.

Theo Minh Tâm/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/smbc-rong-duong-tro-thanh-doi-tac-chien-luoc-cua-vpbank-20180504224254979.htm