QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thị trường gạo quý II/2021: Xuất khẩu giảm mạnh do dịch bệnh phức tạp

Theo FAO, trong 6 tháng đầu 2021, sản lượng sản xuất gạo thế giới 259,75 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ; Sản lượng tiêu thụ gạo toàn cầu đạt 260,4 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2020.

Trong tháng 6, chỉ số giá gạo FAO trung bình đạt 108,3 điểm, giảm 2,1% so với tháng trước (tại 2002 – 2004 là 100 điểm) và giảm 5,3% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, gạo thơm giảm mạnh xuống 88,2 điểm. Giá gạo thế giới trong tháng 6/2021 giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng qua, do chi phí vận tải cao và thiếu container làm hạn chế xuất khẩu.

Tại Ấn Độ, giá gạo đồ loại 5% tấm tuần qua giảm xuống còn 367 – 371 USD / tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020, so với mức 369 – 373 USD trước đó một tuần.

Một nhà xuất khẩu gạo có trụ sở tại Kakinada (bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ) cho biết: “Rupee giảm so với USD cho phép chúng tôi giảm giá (bán gạo). Giá gạo trong nước cũng giảm do Chính phủ giải phóng kho gạo dự trữ để giúp người dân chống COVID-19”.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm tuần cuối tháng 6 giảm xuống còn 470 – 475 USD / tấn từ 478- 482 USD một tuần trước đó.

Ảnh minh họa

“Các nhà xuất khẩu giảm giá chào bán để cạnh tranh với các nhà xuất khẩu từ Thái Lan và Ấn Độ”, Reuters dẫn lời một thương nhân ở TP HCM cho biết. Trong khi đó, dịch COVID-19 ở miền Nam Việt Nam đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc vận chuyển gạo.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm nay ước tính đã giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tuần qua giảm xuống còn 420 – 422 USD/tấn, từ mức 420 – 430 USD/tấn một tuần trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2019.

Các thương nhân cho biết nhu cầu gạo xuất khẩu vẫn thấp vì giá gạo Thái Lan hiện vẫn đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Cước phí vận chuyên tăng càng khiến giá gạo Thái Lan cao.

Một thương nhân ở Bangkok cho biết: “Hiện nay rất khó tìm được tàu và giá vận chuyển đã tăng gấp đôi trong những tháng gần đây khiến các nhà xuất khẩu kinh doanh khó khăn hơn”. Tỷ giá baht cũng là một yếu tố khác gây biến động tới giá cả. Baht Thái đã giảm giá gần 4% kể từ đầu tháng 3 đến nay.

Về thị trường trong nước, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6 cả nước xuất khẩu 436.140 tấn gạo, tương đương 241,61 triệu USD, giá trung bình 554 USD/tấn, giảm mạnh 30,4% về lượng và giảm 28,7% về kim ngạch so với tháng 5/2021 nhưng tăng nhẹ 2,4% về giá. So với tháng 6/2020 giảm 3,2% về lượng nhưng tăng 6,3% kim ngạch và tăng 9,8% về giá.

Tháng 6, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường chủ đạo sụt giảm mạnh so với tháng 5, trong đó xuất khẩu sang Philippines giảm mạnh gần 35% cả về lượng và kim ngạch, đạt 150.735 tấn, tương đương 78,79 triệu USD; Bờ Biển Ngà giảm mạnh 92% cả về lượng và kim ngạch, đạt 5.184 tấn, tương đương 3,2 triệu USD; Malaysia giảm 37,6% về lượng và giảm 39% kim ngạch, đạt 14.544 tấn, tương đương 7,48 triệu USD.

Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2021 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 3,03 triệu tấn (giảm 14% so với 6 tháng đầu năm 2020), thu về gần 1,65 tỷ USD (giảm 4%), giá trung bình đạt 544,4 USD/tấn (tăng 11,7%).

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 1,09 triệu tấn, tương đương 579,83 triệu USD, giá trung bình 530,5 USD/tấn, giảm 20,6% về lượng, giảm 8,6% về kim ngạch nhưng tăng 15% về giá so với 6 tháng đầu năm 2020; chiếm 36% trong tổng lượng và tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.

Trung Quốc đứng thứ 2 với 580.942 tấn, tương đương 308,68 triệu USD, giá trung bình 531,4 USD/tấn, tăng 26,9% về lượng, tăng 12,5% về kim ngạch nhưng giảm 11,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 19% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.

Thị trường Ghana đứng thứ 3 đạt 327.551 tấn, tương đương 191,3 triệu USD, giá 584 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 32%, 51% và 14,6% so với cùng kỳ, chiếm gần % trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo sang thị trường Malasysia giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2020, giảm 55,9% về lượng, giảm 45,4% về kim ngạch nhưng tăng mạnh 23,7% về giá, đạt 151.104 tấn, tương đương 80,13 triệu USD, giá 530,3 USD/tấn, chiếm 5% trong tổng lượng và tổng kim ngạch. Ngược lại, xuất khẩu sang Bangladesh lại tăng rất mạnh 11.181% về lượng, tăng 14.100% kim ngạch, tăng 24,8% về giá, đạt 52.808 tấn, tương đương 31,94 triệu USD, giá 604,8 USD/tấn.

Trong tháng 6, giá gạo Việt Nam đạt 493 USD/tấn vào đầu tháng và giữ nguyên mức này. Hiện nay nhu cầu mua của các thương nhân nước ngoài không lớn và đang chờ đợi vụ thu hoạch Hè thu.

Đối với giá gạo trong nước, nguồn cung nội địa tiếp tục tăng khi nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch lúa vụ Hè thu. Giá gạo NL IR 504 mới tăng lên mức 7.700 đồng/kg; gạo TP IR 504 ở mức 8.500 đồng/kg. Giá tấm 7.300 đồng/kg và cám vàng 7.550 đồng/kg.

Riêng tại thị trường An Giang tại ngày 30/6, giá lúa nếp vỏ tươi giảm mạnh 600 đồng/kg xuống 4.200-4.300 đồng/kg.

Giá lúa Đài thơm 8 6.200- 6.300 đồng/kg; giá lúa OM 5451 5.500-5.700 đồng/kg; giá lúa nếp vỏ khô 6.600-6.800 đồng/kg. Lúa IR 50404 5.100- 5.400 đồng/kg; lúa Nhật 7.500-7.600 đồng/kg và các loại lúa giá ổn định.

Giá gạo thường 11.000-12.000 đồng/kg; Gạo sóc Thái 17.000 đồng/kg; Gạo nàng nhen 20.000 đồng/kg. Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 17.000 đồng/kg.

Dự báo giá gạo trong thời gian tới

Trong báo cáo đầu tháng 5, USDA dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo trong năm 2021, giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao.

Theo USDA, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu dự kiến vào khoảng 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Một số thị trường dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines với mức tăng 13%, Ivory Coast (Bờ Biển Ngà) tăng 9,1%, Ghana tăng 5,6% và Liên minh châu Âu (EU) tăng 2,1%.

Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai là EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.

Phân tích về các nước xuất khẩu gạo, USDA dự báo Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020; Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.

Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với năm 2019.

Còn theo báo cáo của FAO vào đầu tháng 6, chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng 12% lên mức kỷ lục do giá hàng hóa và nhu cầu tăng cao trước tác động của dịch COVID-19.

Kim ngạch nhập khẩu lương thực của thế giới, bao gồm cả chi phí vận chuyển, dự kiến đạt 1.715 tỷ USD trong năm nay, so với mức 1.530 tỷ USD của năm ngoái.

FAO đánh giá tình trạng giá lương thực tăng từ cuối năm 2020 đã làm gia tăng rủi ro cho các nước nghèo vốn phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Trong tháng 5, chỉ số giá thực phẩm của tổ chức này đã chạm mức cao nhất trong 10 năm, do mức tăng mạnh của ngũ cốc, dầu thực vật và đường.

FAO cho biết một chỉ số riêng biệt về giá trị nhập khẩu lương thực, bao gồm cả chi phí vận chuyển hàng hóa cũng tăng vọt và đạt mức kỷ lục trong tháng 3, cao hơn cả các mức đã ghi nhận trong những đợt tăng đột biến giá lương thực trước đó vào các năm 2006-2008 và 2010-2012.

FAO cho biết các hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc là động lực thúc đẩy nhu cầu cũng như giá nông sản trong năm qua, phần nào phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng lại ngành chăn nuôi lợn sau khi dịch bệnh bùng phát.

Trong báo cáo triển vọng nông nghiệp thường niên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – một câu lạc bộ các nước giàu và Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) vào đầu tháng 7, triển vọng thương mại ngũ cốc toàn cầu trong vòng 10 năm tới bao gồm lúa mì, ngô và gạo dự kiến sẽ tăng 21% lên 542 triệu tấn vào năm 2030.

“Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan sẽ tiếp tục dẫn đầu hoạt động thương mại gạo toàn cầu, tuy nhiên Campuchia và Myanmar được đánh giá sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu gạo toàn cầu”, báo cáo của FAO và OEDC nhận định.

Theo Thu Uyên/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-gao-quy-ii2021-xuat-khau-giam-manh-do-dich-benh-phuc-tap-98333.html