QC 1
Thứ 5, ngày 16/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thị trường thép tháng 2/2021: Tăng trưởng tích cực

Theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thô tháng 2/2021 đạt 1.467.391 tấn, giảm 15,3% so với tháng trước, nhưng tăng 9,4% so với cùng kỳ. Giá thép trong nước tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Thị trường thép thế giới

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), trong tháng đầu tiên của năm 2021, sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia đạt 162,9 triệu tấn, cao hơn con số 161,8 triệu tần của tháng 12/2020, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh về sản lượng với 90,2 triệu tấn thép thô, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng chung xu hướng là các nước Ấn Độ, tăng 7,6% lên 10 triệu tấn; Nga tăng 6,5% lên 6,7 triệu tấn; Đức tăng 6% lên 3,3 triệu tấn; Hàn Quốc tăng 4,9% lên 6 triệu tấn. Đáng chú ý một số nước ghi nhận tăng trưởng mạnh hai con số như Thổ Nhĩ Kỳ tăng 12,7% lên 3,4 triệu tấn; Brazil tăng 10,8% lên 3 triệu tấn, Iran tăng 10,2% lên 2,6 triệu tấn thép thô.

Trong khi đó, sản lượng thép thô tại Nhật Bản và Mỹ lại giảm lần lượt 3,9% và 9,9% với 7,9 triệu tấn và 6,9 triệu tấn.

Thị trường thép tháng 2/2021 tăng trưởng tích cực (Ảnh minh họa)

Thị trường thép Việt Nam

1. Sản lượng và tiêu thụ thép

Theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thô tháng 2/2021 đạt 1.467.391 tấn, giảm 15,3% so với tháng trước, nhưng tăng 9,4% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép thô đạt 1.386.931 tấn, giảm 20,5% so với tháng trước nhưng tăng 12,3% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thép thô là 141.003 tấn. Tính trong hai tháng đầu năm, sản xuất thép thô đạt 3.192.167 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng đạt 3.126.363 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ 2020, trong đó xuất khẩu đạt 399.658 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ 2020.

Tháng 2, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 2.059.412 tấn, giảm 22,14% so với tháng trước nhưng tăng 5% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng thép các loại đạt 1.812.306 tấn, giảm 13,08% so với tháng 1/2021, nhưng tăng 12,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 539.052 tấn, tăng 14,71% so với tháng trước, và tăng 55,9% so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế hai tháng đầu năm, sản xuất thép các loại đạt hơn 4,7 triệu tấn, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng thép các loại đạt hơn 3,89 triệu tấn, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong các loại thép thành phẩm, thép xây dựng vẫn tiếp tục là sản phẩm có lượng sản xuất và tiêu thụ lớn nhất, chiếm 31% tỷ trọng về sản xuất và hơn 33% tỷ trọng về bán hàng, mặc dù số tuyệt đối đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Theo VSA nhận định, do tháng 2 chỉ có khoảng hơn 10 ngày giao dịch khi vướng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 3 tại một số tỉnh, đặc biệt khu vực Đông Bắc như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, v.v đã ảnh hưởng đến sản xuất, nhu cầu sử dụng thép. Tồn kho thép xây dựng tại thời điểm 28/2/2021 là 703.904 tấn. Đây là mức tồn kho để gối đầu cho tiêu thụ các tháng tiếp theo, tuy nhiên thì đây là mức tồn kho tương đối cao hơn so với các tháng trước, theo VSA.

Đáng chú ý, sản lượng sản xuất HRC tăng mạnh 86% so với cùng kỳ năm trước đạt gần 557.917 tấn. Đồng thời, lượng bán hàng tăng 88,4% và lượng xuất khẩu tăng tới 232% lần lượt đạt 546.444 tấn và 157.290 tấn.

2. Diễn biến giá nguyên liệu

Giá quặng sắt (loại 62%Fe) ngày 4/3/2021 giao dịch ở mức 178,2- 178,5 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 6 USD/tấn so với giữa tháng 2/2021.

Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia (giá FOB) ngày 4/3/2021 (Premium Hard coking coal) khoảng 117USD/tấn, giảm mạnh so với giữa tháng 2/2021, trong khi đó giá cốc tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao.

Thép phế liệu: Giá thép phế HMS 1⁄2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 460 USD/tấn CFR Đông Á ngày 3/3/2021. Mức giá này tăng 20USD/tấn so với hồi giữa tháng 2/2021. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Mỹ có xu hướng tăng nhẹ, Châu Âu và Đông Nam Á có chiều hướng đi ngang.

3. Giá thép trong nước

Trong tháng 2/2021, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tiếp tục xu hướng tăng vào cuối tháng sau khi điều chỉnh giảm hồi cuối tháng 1 và tuần đầu tháng 2 trên thị trường toàn cầu và Việt Nam.

Giá bán thép xây dựng trong nước tuần đầu tiên sau kì nghỉ Tết Âm lịch ở mức bình quân khoảng 14.800 – 15.100 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể. Giá bán thép hiện nay được điều chỉnh giảm theo các chương trình lì xì đầu năm, … để các nhà sản xuất tăng lượng bán ra thị trường đầu năm.

Giá HRC giao dịch cảng Đông Á ngày 4/3/2021 ở mức 710 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, tăng mạnh khoảng 47 USD/tấn so với mức giá giao dịch giữa tháng 2/2021 và đã qua mức chào ngày 8/12 (700 USD/tấn).

Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép, v.v) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.

Giá thép trong nước tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng

Giá phế nội địa tiếp tục tăng nhẹ tiếp tục tăng nhẹ từ 100 đồng/kg đến 200 đồng/kg giữ mức 8.550 đồng/kg đến 8.800 đồng/kg; Giá phế nhập khẩu tăng 25 USD/tấn giữ mức 445 USD/tấn cuối tháng 2/2021. Giá phôi thép nhập khẩu cũng tăng ở mức 13 USD/tấn giữ mức 587~589 USD/tấn.

Giá phôi nội địa cũng tăng 200- 300 đồng/kg, giữ giá ở mức 13.000 đồng/kg đến 13.300 đồng/kg.

Giá phôi thép ngày 5/3/2020 ở mức 604-606 USD/T CFR Đông Á, tăng khoảng 30USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 2/2021. Giá phôi thép nhập khẩu cảng Việt Nam năm 2021 cụ thể như sau:

Theo Thu Uyên/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-thep-thang-22021-tang-truong-tich-cuc-90386.html