QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thị trường thép xây dựng quý IV/2021 sẽ tiếp tục tăng?

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dịch COVID-19 kéo dài nên nhiều công trình và công trình dân dụng tạm thời hoãn lại, đặc biệt tại khu vực phía Nam. Bán hàng thép xây dựng tháng 10 và quý IV dự kiến sẽ có triển vọng hơn, tuy nhiên vẫn tiếp tục khó khăn khi lượng rất đông công nhân kéo nhau về quê khiến cho lực lượng lao động giảm.

Tình hình bán hàng thép xây dựng tháng 9 có cải thiện hơn so với tháng trước, nhưng sản xuất thép xây dựng giảm. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 9 đạt hơn 744 nghìn tấn, giảm 9% so với tháng 8 và giảm 27% so với cùng kỳ 2020.

Bán hàng đạt 853 nghìn tấn, tăng 26% so với tháng trước nhưng giảm 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Tồn kho thời điểm 30/9 đạt gần 688 nghìn tấn. Đây là mức tồn kho trung bình để các doanh nghiệp tiêu thụ gối đầu trong các tháng tiếp theo.

Ảnh minh họa

Với ảnh hưởng chính sách môi trường, điều chỉnh hoàn thuế xuất khẩu của chính phủ Trung Quốc và biến động giá quặng, than cốc và phế vừa qua đã ảnh hưởng đến thị trường thép Đông Nam trong đó có Việt Nam.

Xuất khẩu thép xây dựng 9 tháng 2021 tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù thị trường thép toàn cầu ảnh hưởng bởi biến động giá quặng, than cốc và sắt thép phế liệu, giá bán thép trong nước ổn định do trong nước nhu cầu thấp, cạnh tranh giữ thị phần của các nhà sản xuất thép xây dựng.

Giá thép xây dựng trong tháng 9 vẫn giữ mức bình quân khoảng 16.300-16.650 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.

VSA cho rằng bán hàng thép xây dựng tháng 10 và quý IV dự kiến sẽ có triển vọng hơn, tuy nhiên vẫn tiếp tục khó khăn khi người dân kéo nhau về quê (Miền Trung, Miền Tây) với lượng rất đông khiến cho lực lượng lao động giảm.

Do đó, các công trình xây dựng (dân dụng và dự án) sẽ chậm tiến độ dù một số tỉnh thành sẽ nới lỏng giãn cách sau khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Ghi nhận hôm qua (19/10), giá thép thế giới giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 3 nhân dân tệ xuống mức 5.421 nhân dân tệ/tấn.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu chính thức, sản lượng thép thô hàng ngày của Trung Quốc trong tháng 9/2021 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018, đạt 2,46 triệu tấn, giảm 8,6% so với sản lượng trung bình trong tháng 8/2021.

Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng điện ở phần lớn khu vực của đất nước, bên cạnh các hạn chế về môi trường, đã làm chậm lại hoạt động của các nhà máy sản xuất thép.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, trong tháng 9, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới này đã xuất khẩu 73,75 triệu tấn kim loại, giảm so với mức 83,24 triệu tấn trong tháng 8 và giảm 21,2% so với cùng tháng năm ngoái.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã sản xuất được 805,89 triệu tấn thép, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần đây đã giảm do việc phân bổ năng lượng gây ra bởi tình trạng thiếu than, tác động đến các ngành như thép và nhôm.

Theo dữ liệu do Mysteel tổng hợp, tỷ lệ sử dụng công suất tại 71 lò điện hồ quang ở Trung Quốc đã có xu hướng đi xuống kể từ cuối tháng 8 và ghi nhận mức 49,22% trong tuần cuối cùng của tháng 9, giảm 21,09% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng tại các nhà máy thép có thời gian sản xuất dài cũng bị hạn chế do Bắc Kinh đang nỗ lực giảm khói bụi và khí thải carbon theo cam kết sản lượng năm 2021 không vượt quá mức kỷ lục 1,065 tỷ tấn của năm ngoái.

Vào tuần trước, Bộ Công nghiệp và Bộ Môi trường đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi nhiều nhà máy ở miền Bắc Trung Quốc tiếp tục cắt giảm sản lượng từ ngày 15/11/2021 đến cuối năm 2021. Ngoài ra, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 15/3/2021, các nhà máy phải cắt giảm sản lượng ít nhất 30% con số sản lượng của năm 2021 để giảm ô nhiễm không khí, Reuters đưa tin.

Theo Minh Phương/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-thep-xay-dung-quy-iv2021-se-tiep-tuc-tang-104100.html