QC 1
Thứ 2, ngày 13/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội nâng cấp môi trường đầu tư

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, cho rằng việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội để Việt Nam nâng cấp môi trường đầu tư.

Việt Nam có khoảng 36.500 dự án FDI đang có hiệu lực, trong đó khoảng 3% dự án, doanh nghiệp được ưu đãi thuế và là đối tượng chịu tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những lợi thế giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bởi vậy, trước bài toán cân đối giữa chống thất thu thuế và thu hút “đại bàng” FDI, đâu là giải pháp giúp vẹn toàn đôi bên đang là câu hỏi lớn được đặt ra? Tạp chí Đầu tư Tài chính ghi nhận quan điểm của TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam.

– Từ góc nhìn của mình, ông cho rằng việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ gây nên những tác động nào đến hoạt động đầu tư vào Việt Nam?

TS Lê Duy Bình: Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra tác động trực tiếp tới khoảng 1.015 doanh nghiệp FDI thuộc các tập đoàn có doanh thu hợp nhất toàn cầu trên 750 triệu EUR đang hoạt động trên cả nước hiện nay. Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực khiến các doanh nghiệp này đột ngột mất đi khoản ưu đãi dưới hình thức thuế mà Việt Nam đã dành cho họ. Mức ưu đãi mà họ nhận được theo giấy chứng nhận đầu tư càng nhiều thì thiệt hại về tài chính đối với họ càng lớn.

Dù Việt Nam có quyết định là giữ quyền áp dụng mức tối thiểu thuế toàn cầu 15% này hay không thì tổn thất do phải đóng thuế bổ sung với các tập đoàn và các doanh nghiệp FDI thuộc quyền sở hữu của họ tại Việt Nam vẫn sẽ diễn ra. Quy định này đã được tất cả các nước thành viên OECD và G7 quyết định áp dụng, các tập đoàn đa quốc gia đương nhiên sẽ phải nộp thuế tối thiểu 15% trong bất kỳ trường hợp nào. Sự khác biệt chỉ ở chỗ là họ sẽ phải nộp tại Việt Nam ở mức thuế ưu đãi họ đang được hưởng và phần còn lại tại nước nơi họ đặt trụ sở chính, hay nộp toàn bộ mức tối thiểu 15% tại Việt Nam hay thôi.

Thuế tối thiểu toàn cầu do vậy chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khoảng 1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thuộc đối tượng chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, do các bài toán kinh doanh của họ khi quyết định đầu tư vào Việt Nam được xây dựng trên cơ sở mức thuế ưu đãi trung bình 12,3%, thậm chí là 2,75% – 5,95% đối với một số tập đoàn đa quốc gia lớn. Nay mất đi 3%, thậm chí tới 9% – 13% lợi nhuận đối với các tập đoàn được hưởng ưu đãi lớn, kết quả kinh doanh, tỷ suất sinh lời từ khoản đầu tư của họ tại thị trường Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Điều đó cũng khiến họ đánh giá lại về tính hấp dẫn từ góc độ khả năng sinh lời từ thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI thuộc diện chịu thuế cũng đột nhiên mất lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp FDI không thuộc diện chịu thuế do phải tăng thêm một khoản chi phí đáng kể khi họ xây dựng kế hoạch kinh doanh ban đầu. Đáng lưu ý là các doanh nghiệp FDI thuộc diện chịu thuế này đều thuộc các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư chiến lược mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang tìm cách thu hút.

Tùy theo cách các cơ quan quản lý xử trí vấn đề này như thế nào mà các nhà đầu tư sẽ cân nhắc đầu tư vào Việt Nam. Được biết, nhiều nhà đầu tư lớn, cùng với các công ty tư vấn đầu tư của họ hiện đang theo dõi sát sao cách thức xử lý vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu của toàn bộ 143 nền kinh tế tham gia sáng kiến, bao gồm Việt Nam, để từ đó đưa ra các quyết định đầu tư mới hay mở rộng đầu tư ở đâu trong số các nền kinh tế này.

– Liệu Việt Nam có mất đi lợi thế cạnh tranh không, thưa ông?

Việt Nam không mất lợi thế cạnh tranh trong những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư mà không cần sử dụng tới biện pháp ưu đãi thuế thu nhập ở dưới mức 15%, và cạnh tranh bằng những lợi thế về quy mô thị trường trong nước, nhân công giá rẻ, vị trí của Việt Nam với các thị trường khu vực, sự sẵn có của nguồn nguyên nhiên vật liệu cho quá trình sản xuất và nhiều yếu tố khác.

Nhưng Việt Nam sẽ lập tức mất đi năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực, ngành nghề và địa phương mà Việt Nam đang buộc phải dùng ưu đãi bằng thuế để thu hút đầu tư, trong khi các quốc gia khác không phải dùng đến biện pháp ưu đãi thuế đó, mà họ chỉ đơn thuần cạnh tranh bằng các thế mạnh khác như chất lượng thể chế, chất lượng của quy định pháp luật, môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực hay sự hỗ trợ dưới các hình thức khác của chính phủ. Như vậy từ góc nhìn này, thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cả thách thức nhưng cũng đồng thời là các cơ hội không hề nhỏ để Việt Nam nâng cấp môi trường đầu tư.

TS Lê Duy Bình

– Đâu là những lợi thế mà Việt Nam có được khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu?

Khi mức thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng cho hơn 143 nước, và phần lớn các nền kinh tế đang cạnh tranh FDI trực tiếp với Việt Nam đang nằm trong danh sách này, việc cạnh tranh bằng thuế để thu hút các tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn sẽ không còn ý nghĩa nữa do lợi thế này đã được trung hoà. Cũng giống như Việt Nam, các quốc gia khác sử dụng ưu đãi thuế để làm công cụ cạnh tranh cũng mất đi lợi thế này. Trong lĩnh vực thu hút vốn FDI, các nền kinh tế khác và Việt Nam giờ đây sẽ cùng cạnh tranh trên cùng một mặt bằng thuế tối thiểu chung.

Khoảng 50 nền kinh tế còn lại không tham gia sáng kiến này thì phần lớn là các nền kinh tế nhỏ, hiện gặp nhiều khó khăn về môi trường đầu tư, điều này khiến họ chưa thể là đối thủ cạnh tranh nguồn vốn từ các tập đoàn đa quốc gia (MNC) ngay cả với lợi thế có thể đưa ra các ưu đãi thuế dưới mức thuế tối thiểu toàn cầu. Sự cạnh tranh về vốn FDI vẫn tập trung vào một số quốc gia và nền kinh tế nằm trong danh sách 143 nền kinh tế này.

Trong các nền kinh tế đó, khi yếu tố ưu đãi thuế đã được loại ra khỏi bàn cân so sánh, Việt Nam vẫn nổi lên với nhiều lợi thế như: sự ổn định về chính trị, ổn định về kinh tế vĩ mô, một thị trường nội địa với 100 triệu dân với sức mua tăng trưởng 10% – 15% mỗi năm, vị trí thuận lợi để tiếp cận vào các thị trường lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dân số vẫn còn được đánh giá là tương đối trẻ với chi phí lao động thấp, một môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư, nâng cấp.

Nếu chúng ta xử lý khéo léo được các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, đẩy mạnh được các yếu tố cạnh tranh khác ngoài ưu đãi thuế, đây thậm chí lại là cơ hội rất lớn để Việt Nam nâng cấp môi trường đầu tư lên một đẳng cấp mới, củng cố hình ảnh Việt Nam luôn cam kết, thân thiện và hành động vì các nhà đầu tư, và là cơ sở để tiếp tục thu hút nguồn vốn từ các tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia trong bối cảnh họ đang tìm cách tái cấu trúc lại chuỗi giá trị trên toàn cầu của mình.

– Nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi thuế không còn là công cụ hữu hiệu nhất để tận dụng ưu đãi, mà các đột phá lại chưa kịp thành hình, Việt Nam phải làm thế nào để thu hút được các doanh nghiệp lớn?

Các nhà đầu tư nước ngoài, dù lớn hay nhỏ, khi đầu tư chắc chắn luôn phải tính toán đến tỷ suất lợi nhuận cho các khoản đầu tư của họ. Công cụ ưu đãi thuế được sử dụng nhằm tác động trực tiếp tới tỷ suất lợi nhuận này của các dự án đầu tư tại Việt Nam, từ đó tác động trực tiếp tới quyết định đầu tư của họ vào Việt Nam. Nay, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu khiến công cụ ưu đãi thuế không còn giá trị hay giảm mạnh về hiệu quả, thì cần phải có các biện pháp khác để nâng cao tỷ suất lợi nhuận, khả năng sinh lời của các nhà đầu tư lớn khi họ đầu tư vào Việt Nam.

Các biện pháp đó là nâng cao chất lượng thể chế, chất lượng quy định pháp luật, từ đó giảm chi phí tuân thủ quy định pháp luật, giảm chi phí không chính thức, giảm chi phí gia nhập thị trường, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và nhờ đó giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng lao động, kỹ năng nghề và nhờ đó giảm chi phí đào tạo lại, đồng thời tăng năng suất lao động để nhà đầu tư có thể giảm chi phí nhân công trên từng đơn vị sản phẩm. Bằng các biện pháp đó, tỷ suất lợi nhuận đối với dự án đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ cải thiện rõ rệt, thậm chí sẽ vượt quá cả mức thuế ưu đãi mà Việt Nam trước đây dành cho họ. Điều đó sẽ khiến môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn hơn hẳn mà không cần sử dụng công cụ ưu đãi thuế. Đáng nói, những lợi ích đó sẽ trên diện rộng, bền vững và sẽ củng cố vị thế của Việt Nam là địa điểm thu hút đầu tư hấp dẫn về mọi mặt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn các công cụ khác để thay thế cho việc hỗ trợ qua ưu đãi thuế như giảm tiền thuê đất, cho phép khấu hao nhanh, hỗ trợ chi phí tiếp cận cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào nhà máy. Các biện pháp đó sẽ được áp dụng tuỳ trường hợp và sẽ làm giảm chi phí kinh doanh, tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư nước ngoài mà Việt Nam muốn thu hút.

– Ông có lưu ý gì để Việt Nam thực thi thuế tối thiểu toàn cầu hiệu quả mà vẫn đảm bảo việc thu hút đầu tư?

Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu để bảo vệ quyền đánh thuế nhưng đồng thời cũng cần đánh giá các tác động của phương án thực hiện như thế nào cho phù hợp với tâm tư, kỳ vọng của các nhà đầu tư lớn đã có cam kết dài hạn với Việt Nam và các nhà đầu tư lớn đang cân nhắc bỏ vốn vào Việt Nam. Thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu không nên chỉ hướng tới việc giữ quyền đánh thuế tại Việt Nam, tăng thu ngân sách mà còn cần hướng tới mục tiêu bảo vệ chữ tín trước các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo và nuôi dưỡng nguồn thu cho tương lai.

Việt Nam sẽ giữ quyền đánh thuế tại Việt Nam và sẽ dùng nguồn thu này để điều tiết, hỗ trợ hợp lý cho nhà đầu tư bằng các biện pháp khác, bù đắp lại cho phần tài chính mà đáng lẽ dự kiến dành cho họ dưới hình thức ưu đãi thuế, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư đã được cam kết ưu đãi trước đây trong giấy chứng nhận đầu tư, nay bỗng nhiên bị mất đi do quy định của thuế tối thiểu toàn cầu.

Đối với các dự án đầu tư đã được quyết định ưu đãi về thuế, thay vì đơn phương đảo ngược quyết định, rút lại ưu đãi, áp dụng thuế tối thiểu 15% và có thể gây phản ứng từ phía các nhà đầu tư, Việt Nam có thể quy định cho phép họ lựa chọn phương án: đóng thuế tại Việt Nam ở mức ưu đãi và đóng luôn phần chênh lệch còn lại ở Việt Nam để đạt mức 15%, hoặc đóng phần chênh lệch còn lại tại nước nơi họ đặt trụ sở chính. Nhưng nếu lựa chọn đóng toàn bộ tại Việt Nam, các nhà đầu tư đã được cấp ưu đãi hoặc Việt Nam dự kiến sẽ dành ưu đãi sẽ được hưởng các ưu đãi khác vốn không dành cho toàn bộ các nhà đầu tư như tiền thuê đất, quyền được khấu hao nhanh hay các biện pháp khác để bù đắp tổn thất của họ. Đối với các dự án mới trong các lĩnh vực Việt Nam đặc biệt khuyến khích đầu tư, hình thức ưu đãi sẽ không còn là hình thức thuế, nhưng sẽ dưới hình thức khác.

Xử lý khéo léo vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp Việt Nam ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện mạnh mẽ hơn các cải thiện về thể chế, quy định pháp luật, cơ sở hạ tầng và các yếu tố cạnh tranh bền vững khác và từ đó nâng cấp, đưa môi trường đầu tư của Việt Nam lên một đẳng cấp mới.

Theo Huyền Trang/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/thue-toi-thieu-toan-cau-co-hoi-nang-cap-moi-truong-dau-tu-20180504224283291.htm