QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

USD lên mức kỷ lục: Vừa ký được đơn hàng, gặp ngay cú sốc tỷ giá

Tỷ giá biến động mạnh khiến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp đang tìm cách thích ứng trước biến động tỷ giá.

Tỷ giá tăng cao tác động đến doanh nghiệp thế nào?

Tỷ giá USD/VND biến động mạnh và liên tục tạo lập kỷ lục mới trong thời gian gần đây. Giá USD bán ra tại một số ngân hàng đã vượt 25.000 đồng/USD, chạm trần quy định.

Theo giới phân tích, tỷ giá USD/VND tăng có tác động hai mặt. Một số doanh nghiệp xuất khẩu đang được hưởng lợi khi giá USD tăng cao. Bởi khi bán hàng cho đối tác nước ngoài, nhà xuất khẩu nhận về USD, quy đổi sang tiền đồng, doanh nghiệp sẽ thu được nhiều hơn.

Ở chiều ngược lại, tỷ giá tăng mạnh cũng khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc sử dụng đồng USD để thanh toán sẽ chịu tác động tiêu cực.

Biến động tỷ giá USD và các ngoại tệ khác sẽ tác động đến các khoản vay của doanh nghiệp cũng như trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Giá USD tăng khiến doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất từ nước ngoài bị đội chi phí nhập khẩu, phí vận tải (logistics) và khoản chênh lệch tỷ giá lớn. Điều này khiến giá thành tăng, lợi nhuận và sức cạnh tranh của hàng hóa giảm.

Những doanh nghiệp có đầu vào phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đang “đứng ngồi không yên”. Như ngành dệt may, nguyên liệu sản xuất chủ yếu được nhập khẩu, đa phần thanh toán bằng USD. Tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá trị hàng xuất khẩu. Song mặt trái là đẩy tăng chi phí vốn để nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị cũng như lãi lỗ từ chênh lệch tỷ giá.

Đại diện Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho hay, đối với ngành thép, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là quặng sắt, thép vụn phải nhập khẩu phần lớn.

Theo đại diện VSA, biến động tỷ giá có ảnh hưởng rất lớn, bởi nguyên liệu về đến nơi thì giá tăng, làm cho giá thành sản xuất của doanh nghiệp tăng. Trong năm 2023, ngành thép khó khăn do nhu cầu trong nước thấp, xuất khẩu suy giảm, chi phí đầu vào tăng, nay tỷ giá tăng dẫn đến hiệu quả kinh doanh giảm xuống.

Không chỉ chi phí nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng, việc USD tăng giá cũng khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp xuất nhập khẩu “đắt đỏ”. Đặc biệt, giá cước vận tải biển từ Việt Nam sang châu Âu và bờ Đông nước Mỹ đã tăng gấp 2-3 lần do căng thẳng Biển Đỏ.

Có thể thấy, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh sẽ gây áp lực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và sự ổn định của đồng VND.

Các chuyên gia đánh giá, nếu tỷ giá tiếp tục được giữ nguyên hoặc neo cao, doanh nghiệp sẽ chịu tác động mạnh hơn bởi nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.

Trong trường hợp tỷ giá tăng ở mức vừa phải 2-3 % thì sẽ không tác động quá lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh. Nhưng nếu tỷ giá đồng ngoại tệ không giảm trở lại trong nửa cuối năm 2024 hoặc mức mất giá vượt biên độ 5%, khả năng sẽ làm tăng giá hàng hóa, tạo sức ép cho doanh nghiệp xuất khẩu.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng, thời gian tới, nếu tiền VND tiếp tục giảm giá so với đồng USD thì không hẳn có lợi cho xuất khẩu mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát.

Bởi theo cán cân thương mại hiện nay, phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Những yếu tố này về lâu dài có thể sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Văn Việt – Tổng giám đốc công ty TNHH Việt Thắng Jean, doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu tới 60% với các đơn hàng xuất đi châu Âu, tỷ lệ này là 40% với các đơn hàng xuất đi Mỹ, Hàn Quốc. Vì vậy, việc cân bằng chi phí giữa nhập khẩu – xuất khẩu doanh nghiệp cũng không có lời mà còn phải bù thêm 2% trên giá thành.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cũng chia sẻ, tỷ giá USD/VND tăng sẽ giúp doanh nghiệp tăng giá trị thu được khi xuất khẩu, nhưng ngược lại, doanh nghiệp cũng phải trả nhiều tiền hơn để nhập khẩu thiết bị, máy móc hay nguyên liệu sản xuất…

Tìm cách thích ứng trước biến động tỷ giá

Biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay khiến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tỷ giá USD/VND vẫn đang ở mức cao buộc các doanh nghiệp phải có các giải pháp thích ứng.

Đại diện VSA cho biết, các doanh nghiệp trong ngành thép đang tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu trong nước thay vì nhập khẩu; tăng cường thu mua thép vụn trong nước, tìm kiếm các nguồn hàng gần thay vì các nguồn hàng xa.

Cùng với đó, ngành thép sẽ phải điều tiết bớt sản xuất lại, tìm mọi cách hạ giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng trong bối cảnh tỷ giá biến động, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.

Theo bà Thủy, với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo sự khác biệt cho sản phẩm luôn là điều cần hướng tới. Với các doanh nghiệp nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế, đặc biệt từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam – cho rằng, đối với những biến động tỷ giá, doanh nghiệp cần phải cẩn trọng khi ký các hợp đồng. Đồng thời, chủ động hơn trong việc cân đối giữa các đồng tiền thanh toán, điều chỉnh kế hoạch và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu đa dạng hơn, không nên quá phụ thuộc vào việc thanh toán bằng đồng USD.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, để tránh những tác động liên quan đến tỷ giá biến động mạnh, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải làm tốt hơn công tác dự báo cũng như tham gia vào các công cụ về phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Nếu doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sử dụng các công cụ tài chính phái sinh, đồng thời sàng lọc thị trường và đa dạng hóa đồng tiền thanh toán thì sẽ có nhiều cơ hội giảm thiểu rủi ro, thậm chí hưởng lợi từ chênh lệch giá các đồng tiền.

Cùng với đó, các doanh nghiệp có thể lựa chọn những biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá như lựa chọn những ngân hàng có chính sách tài trợ thương mại hấp dẫn, sử dụng các công cụ tài chính mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (swap)… Điều này vừa giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro tỷ giá khi giao dịch xuất nhập khẩu trong bối cảnh biến động tỷ giá, vừa có thể chủ động trong kế hoạch tài chính của mình.

Để phòng ngừa rủi ro, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp cần cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi vay vốn ngoại tệ. Doanh nghiệp chỉ nên vay ngoại tệ khi khả năng sinh lời vượt trội so với tổn thất.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên trích lập đầy đủ quỹ dự phòng biến động tỷ giá, đẩy mạnh thanh toán trước hạn các khoản vay ngoại tệ (đặc biệt với các doanh nghiệp có khoản vay lớn bằng đồng USD) để giảm bớt chi phí lãi vay và rủi ro biến động tỷ giá, sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá như hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi ngoại tệ…

Theo Minh Anh/Vietnam Finance