QC 1
Chủ nhật, ngày 12/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ủy ban đạo đức UNESCO kêu gọi giải quyết các vấn đề đạo đức liên quan đến Giấy chứng nhận COVID-19

Ủy ban Đạo đức Khoa học và Công nghệ Thế giới của UNESCO (COMEST) và Ủy ban Đạo đức Sinh học Quốc tế (IBC) kêu gọi các nhà hoạch định chính sách giải quyết các vấn đề đạo đức liên quan đến Giấy chứng nhận COVID-19 và Hộ chiếu vaccine.

Các chuyên gia của UNESCO nhấn mạnh rằng việc triển khai Giấy chứng nhận COVID-19 và Hộ chiếu vaccine cần tránh tạo ra sự phân biệt đối xử và chia rẽ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau và gắn liền với một hệ thống đoàn kết quốc tế.

Giấy chứng nhận COVID-19 và Hộ chiếu vaccine không nên được thiết kế, triển khai hay sử dụng như một đặc quyền và vi phạm quyền tự do lựa chọn của bất kỳ ai, mà nên được xem như một cách để tạo ra một môi trường an toàn hơn về mặt dịch tễ học cho tất cả mọi người.

Trong khi việc giới thiệu giấy chứng nhận COVID-19 và hộ chiếu vaccine là một bước quan trọng để khôi phục quyền tự do dân sự, các giấy tờ này có khả năng trở thành đặc quyền dành riêng cho những người được tiếp cận với tiêm chủng, xét nghiệm và công nghệ kỹ thuật số.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu COVID-19 đã và đang tác động đến những người nghèo, có hoàn cảnh dễ bị tổn thương, những nhóm yếu thế và bị thiệt thòi nhất. Hơn nữa, đại dịch này làm gia tăng sự chia rẽ và bất bình đẳng trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội trong một nước và giữa các quốc gia.

“Việc áp dụng Giấy chứng nhận COVID-19 không được dẫn đến hạn chế đi lại bất công cho những người không được tiếp cận với vaccine hoặc những người đã tiêm loại vaccine không được chấp nhận ở các quốc gia mà họ muốn đến. Các biện pháp cần được thực hiện để tránh tình trạng giấy chứng nhận tiêm chủng sẽ làm giảm quyền tự do đi lại của người dân trong và ngoài các nước có thu nhập thấp và trung bình do sự không công bằng trong tiêm chủng. Điều này có thể có tác động nghiêm trọng đến sự phát triển ở các quốc gia này, khi các loại giấy tờ chỉ tạo điều kiện cho sự di chuyển của những người có đặc quyền, mà không phải ở cấp độ quốc tế.”

– Bà Gabriela Ramos, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Hộ chiếu vaccine đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Các quốc gia không nên chỉ dựa vào hộ chiếu vaccine, mà cần sử dụng các phương tiện khác mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được, chẳng hạn như xét nghiệm COVID-19 hoặc chứng nhận khả năng miễn dịch, để tránh mở ra một lớp phân biệt đối xử khác đối với những người không được tiếp cận với vaccine.

“Mọi người có quyền từ chối tiêm chủng, chẳng hạn vì lý do cá nhân, đạo đức và tín ngưỡng tôn giáo, giới hạn độ tuổi, hoàn cảnh y tế hoặc lo lắng về độ tin cậy và an toàn của vaccine. Tuy nhiên, việc tiêm chủng được khuyến khích đối với những người do bản chất nghề nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều người khác.”

– Giáo sư Peter-Paul Verbeek, Chủ tịch COMEST

Điều quan trọng cần lưu ý, tiêm chủng là để bảo vệ cá nhân và bên thứ ba, và là một phần của danh mục nhiều biện pháp vệ sinh vẫn cần được tuân thủ, đặc biệt là khi các biến thể mới vẫn liên tục xuất hiện. Những người không thể hoặc quyết định không chủng ngừa, không nên bị phân biệt đối xử, thay vào đó hãy có biện pháp đảm bảo họ được bảo vệ và họ sẵn sàng bảo vệ những người khác bằng những hình thức ngăn ngừa dịch bệnh sẵn có.

“Chúng ta không nên hạ thấp các tiêu chuẩn về bằng chứng khoa học ngay cả trong thời gian khủng hoảng như đại dịch COVID-19. Việc đăng ký bất kỳ loại vaccine nào để ngăn ngừa COVID-19 phải tuân thủ các tiêu chuẩn quy định được quốc tế chấp nhận, mà không có ảnh hưởng của các yếu tố chính trị hoặc phân biệt đối xử chống lại công ty hoặc quốc gia đã sản xuất và đăng ký vaccine ban đầu.”

– Giáo sư Hervé Chneiweiss, Chủ tịch Ủy ban Đạo đức Sinh học Quốc tế

Các chứng nhận phải giải thích sự không chắc chắn về mặt khoa học, về mức độ và thời gian bảo vệ và hộ chiếu vaccine phải an toàn, bảo mật và tôn trọng quyền riêng tư của mọi người.

Bất kỳ loại vaccine nào tuân thủ các tiêu chuẩn quy định được quốc tế chấp nhận, với mức độ bảo vệ tương ứng của chúng đều hữu ích và phù hợp.

Cuối cùng, tuyên bố cũng kêu gọi ứng dụng chứng nhận về COVID-19 và hộ chiếu vaccine không nên có tác dụng đi ngược lại mọi nỗ lực vì sự phát triển bền vững. Các chính sách liên quan cần được xây dựng, ít nhất sẽ bao gồm các nội dung: nỗ lực toàn cầu cần thiết để giảm phát thải khi lượng du lịch quốc gia và quốc tế tăng lên, các Quốc gia Thành viên cần định hình các điều kiện cho các hệ sinh thái bền vững và đặt tính bền vững trở thành ưu tiên trọng tâm trong hoạch định chính sách, nỗ lực giảm nguy cơ xuất hiện các trường hợp bệnh động vật mới có thể gây ra đại dịch mới.

Theo Quỳnh Hoa/Ngày Nay/ UNESCO

Nguồn:https://ngaynay.vn/uy-ban-dao-duc-unesco-keu-goi-giai-quyet-cac-van-de-dao-duc-lien-quan-den-giay-chung-nhan-covid-19-post109450.html