QC 1
Thứ 4, ngày 08/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Chính phủ cần chỉ đạo nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán

Tại ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay (20/10), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – Vũ Hồng Thanh đã có báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2020 và giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2021 và định hướng giai đoạn 2021 – 2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Quốc hội)

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cơ bản nhất trí với kết quả tình hình kinh tế xã hội giai đoạn vừa qua và năm nay. Dự kiến, năm nay có 8/12 chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt và vượt, tăng trưởng GDP dương là điểm sáng trong khu vực và thế giới.

Giai đoạn 2016 – 2020, tình hình kinh tế xã hội có 15 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu không đạt. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, vững chắc; lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, giá cả hàng hóa diễn biến tương đối ổn định; tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP giai đoạn 2016 – 2019 đạt khá cao (bình quân 6,8%/năm). Việc xây dựng thể chế đạt nhiều kết quả tích cực, hệ thống pháp luật và cơ chế điều hành ngày càng đồng bộ, hoàn thiện và bao quát hơn, lần đầu Việt Nam thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia và đầu tư công 5 năm. Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được nâng cao; năng suất lao động được cải thiện; cơ cấu ngành công nghiệp, cơ cấu đầu tư chuyển dịch đúng hướng và tích cực.

Bên cạnh đó, công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung vào xử lý nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khó khăn, thể hiện sự năng động, nhất quán, sâu sát, quyết liệt. Việc cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá rõ thêm về khả năng thu, tình hình hụt thu và việc giảm chi theo quy định và mức bội chi hợp lý; những tác động đến nợ công, kinh tế vĩ mô trong năm nay.

Về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung nội dung về y tế, giáo dục & đào tạo và việc triển khai các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Uỷ ban Kinh tế cơ bản đồng tình với báo cáo về giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới và đề nghị Chính phủ quan tâm thêm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, đình chỉ, thu hồi các văn bản sai nội dung, trái thẩm quyền. Việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 và sớm phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng được yêu cầu khẩn trương thực hiện.

Đặc biệt, Chính phủ được yêu cầu bố trí nguồn lực, thực hiện các giải pháp phù hợp về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ… để tiếp tục duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động; Tăng cường các chính sách, giải pháp để tạo việc làm mới cho giai đoạn hậu COVID-19.

Về định hướng cho giai đoạn 2021 – 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn này thận trọng và giải trình đầy đủ cơ sở khi áp dụng cách tính GDP mới, trình Quốc hội xem xét quyết định.

Đồng thời, Chính phủ còn được yêu cầu hoàn thiện thể chế, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số; Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với xây dựng chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số; Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, kinh tế hộ gia đình và hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng; Đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; Tập trung xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc và nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán…

Tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ từ 2 – 3%

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Bàn về chủ đề phát triển kinh tế năm 2020, người đứng đầu Chính phủ nhận định, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm nay và giai đoạn 2016 – 2020. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.

“Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID- 9, tăng trưởng GDP đạt 2,12% 9 tháng đầu năm và ước đạt 2 – 3% cho cả năm nay. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới”, Thủ tướng nói.

Theo đó, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, GDP bình quân đầu người năm nay ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn 1,3 điểm phần trăm so với giai đoạn 2011 – 2015. Đồng thời, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào 45,2% GDP trong 5 năm qua, vượt mục tiêu đề ra là 30 – 35%.

Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, năm 2020, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN, vượt qua Malaysia và Singapore.

Thủ tướng cũng cho biết, mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“2020 là năm thành công của Việt Nam với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Thủ tướng nói.

Giai đoạn 2021 – 2025 và năm sau, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát là phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, việc đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng được đề ra. Phấn đấu đến 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đồng thời, Chính phủ còn đặt ra mục tiêu bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu; Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; Nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Văn Thắng/ Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chinh-phu-can-chi-dao-nang-cao-quy-mo-va-hieu-qua-hoat-dong-cua-thi-truong-chung-khoan-80038.html