QC 1
Thứ 5, ngày 16/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vietracimex: Chờ 12 năm, thủy điện Đa Dâng xin “cửa sau” để hoạt động

Năm 2003, dự án thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo (Lâm Đồng) được khởi công. Năm 2006, dự án về tay Cty CP Đầu tư & Xây dựng điện Long Hội (thuộc Tổng công ty CP thương mại xây dựng Vietracimex). Sau 12 năm, nhà máy… đã có khả năng được vận hành “tạm thời”

Sự cố sập hầm thủy điện Đa Dâng khiến 1 người thiệt mạng và 12 công nhân mắc kẹt hơn 3 ngày. Chủ đầu tư dự án thủy điện Đa Dâng phải xuất hiện để xin lỗi.

Vừa chạy vừa xếp hàng

Dự án thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo trên địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương và xã Phi Tô, huyện Lâm Hà trước đây do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư, có tổng công suất lắp máy 23MW. Trong đó Nhà máy thủy điện Đa Dâng, huyện Lạc Dương 14MW, Nhà máy thủy điện Đa Chomo, huyện Lâm Hà 9MW. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 650 tỷ đồng.

Dự án đã khởi công vào tháng 12/2003, nhưng sau khi khởi công, chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện do không giải quyết được vấn đề tài chính. Đến tháng 3/2006 dự án chuyển đổi chủ đầu tư sang Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (thuộc Tổng công ty Cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex).

Tháng 12.2014 công trình dự án xảy ra sự cố sập hầm thủy điện. Bộ ngành, chính quyền sở tại vào cuộc bóc tách nguyên nhân, trách nhiệm. Cũng từ đó hé mở cách thức đầu tư, triển khai dự án của các bên liên quan xoay quanh dự án thủy điện thuộc “hạng xoàng” này (công suất chỉ 23MW).

Cụ thể, theo luận giải của đại diện chủ đầu tư Long Hội thời điểm đó, quá trình triển khai dự án trước đó (từ 2003 tới 2014) lần lượt có tới 4 đơn vị thi công khác nhau tiếp quản (Công ty CP Xây dựng Lũng Lô 2 từ 2009 -2011; Công ty CP xây dựng công trình ngầm Vinavico từ tháng 8.2011 đến tháng 10.2014; từ tháng 9.2014 đến thời điểm xảy sự cố sập hầm là hai đơn vị Sông Đà 10 và Sông Đà 505 đảm nhiệm thi công…).

Đứng trước thực tế dù trải qua 3 “đời” đơn vị thi công với 4 doanh nghiệp tham gia, suốt 12 năm, hồ sơ dự án vẫn khập khiễng. Còn về phía chủ đầu tư Long Hội (đã tiếp nhận dự án từ năm 2006; dự án được khởi công từ năm 2003 dưới vai trò của Cienco 5), từ năm 2009 dự án mới thực sự khởi động theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Khi ấy, theo kết luận của đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh thì “sau khi có kết luận nguyên nhân sự cố, chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hồ sơ, mới xem xét cho tiếp tục”.

Công văn do Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đề nghị Cục điều tiết Điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực tạm thời cho nhà máy thủy điện Đa Dâng

Chưa đủ điều kiện vẫn được Sở “xin” hộ

Mới đây, đầu năm 2019, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị Cục điều tiết Điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực tạm thời cho nhà máy thủy điện Đa Dâng. Điều đáng nói, là những cơ sở được Sở này viện dẫn gửi tới Cục nhằm “xin” giấy phép cho chủ đầu tư Long Hội – một trong những đứa con cưng của Vietracimex.

Mở đầu văn bản, Sở khẳng định dự án nhà máy thủy điện Đa Dâng đã được khởi công xây dựng vào năm 2003 đến nay nhà máy thủy điện Đa Dâng cơ bản đã hoàn thành chuẩn bị đưa vào vận hành khai thác. Nhưng, chỉ ngay sau đó, lại là bức tranh xám xịt về hoạt động đầu tư dự án này – trong bàn tay của chủ đầu tư Long Hội.

Cụ thể, qua nhiều năm xây dựng, dự án có tác động đến đời sống của người dân địa phương, đặc biệt Khu tái định cư cho 54 hộ dân (phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên) trong vùng lòng hồ thủy điện Đa Dâng, tại xã Lát huyện Lạc Dương đến nay chưa hoàn thành.

Qua các kỳ họp HĐND tỉnh, các hộ dân thuộc diện tái định cư đã gửi đơn khiếu nại đến chính quyền địa phương các cấp (trong đó có GĐ Sở Công thương) yêu cầu giải trình khi nào hoàn thành Khu tái định cư để ổn định đời sống cho 54 hộ dân, đã nhiều lần sau khi nghe chủ đầu tư dự án báo cáo và cam kết, chính quyền địa phương đã trả lời cho các hộ dân nhưng sau đó… thất hứa với người dân.

Tháng 7.2018, GĐ Sở Công thương chủ trì đoàn công tác làm việc với chủ dự án: Kết quả kiểm tra chủ dự án hầu như chưa triển khai thực hiện đầu tư. Lúc này, Sở ra văn bản 1674/SCT-QLNL ngày 20.7.2018 gửi chủ đầu tư Long Hội yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng Khu tái định cư, cắm mốc giao đất tái định cư cho các hộ dân trước 31.12.2018, đồng thời thực hiện đúng cam kết về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người dân trong khu tái định cư.

“Vietracimex có 15 công ty thành viên, hoạt động ở 4 mảng: BĐS, năng lượng, sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ. Trong đó, mảng năng lượng là nơi Vietracimex thể hiện “chất” của doanh nghiệp này nhất, với cả loạt dự án phát điện – bên cạnh một vài dự án công nghiệp mang tính “nắm đấm thép” như Nhà máy bột giấy VNT19 tại khu kinh tế Dung Quất mà chúng tôi đã nhắc tới trong bài báo trước.

Tới giữa tháng 1.2019, việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư vẫn dở dang. Ngày 16.1.2019, chủ đầu tư Long Hội có văn bản gửi Sở Công Thương, báo cáo rằng: Chủ đầu tư đã thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư, “xin gia hạn thời gian hoàn thành Khu tái định cư trong quý I.2019”. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đề nghị Sở đề xuất Cục Điều tiết điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực cho nhà máy để “sớm được sản xuất, kinh doanh”.Tháng 9.2018, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) chủ trì cùng Sở Công Thương kiểm tra điều kiện cấp phép hoạt động điện lực cho nhà máy thủy điện Đa Dâng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ dự án vẫn chưa khởi động đầu tư xây dựng Khu tái định cư như cam kết.

Và “sự cẩn trọng” của Sở Công Thương

Kiến nghị Cục Điều tiết điện lực xem xét, cấp giấy phép hoạt động tạm thời cho nhà máy thủy điện Đa Dâng, Sở Công thương tỉnh đồng thời cũng tỏ ra “nghiêm khắc” tới chủ đầu tư trong công tác đầu tư, xây dựng. Cụ thể, Sở yêu cầu chủ đầu tư phải nghiêm túc giải quyết các tồn tại:

Tổ chức nghiệm thu, quản lý chất lượng công trình theo quy định pháp luật hiện hành trước khi tích nước vận hành nhà máy; Về sự cố sụp hầm thủy điện Đa Dâng năm 2014, Bộ Xây dựng đã kiểm tra và có báo cáo 36/BC-BXD ngày 8.5.2015 – chủ đầu tư dự án thực hiện dứt điểm những nội dung còn tồn tại theo báo cáo này trước khi tích nước hồ chứa, vận hành nhà máy; Thực hiện đúng cam kết hoàn thành việc đầu tư cơ sở hạ tầng Khu tái định cư cho 54 hộ dân trong lòng hồ thủy điện trong quý I.2019.

Thú vị ở chỗ, một mặt kiến nghị Cục Điều tiết điện lực xem xét, cấp giấy phép tạm thời cho nhà máy thủy điện, Sở Công thương cũng “rào trước” khá cẩn trọng: Sau khi Cục điều tiết điện lực cấp Giấy phép hoạt động điện lực tạm thời cho nhà máy thủy điện Đa Dâng, nếu Chủ dự án không thực hiện giải quyết những tồn tại nêu trên, Sở Công thương sẽ đề xuất Cục Điều tiết điện lực thu hồi giấy phép trên.

Theo Anh Minh/Thương Gia