Có rất nhiều điều chưa hài lòng được thảo luận tại hội nghị khí hậu COP28 ở Dubai về tốc độ giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch chậm chạp để chống lại biến đổi khí hậu. Nhưng một điều tích cực mà các đại biểu có thể chỉ ra là số lượng xe điện ngày càng tăng trên toàn thế giới đã tạo ra sự sụt giảm lớn về nhu cầu dầu mỏ.
Theo các chuyên gia trong ngành, doanh số bán xe điện ngày càng tăng trong những năm gần đây đã thúc đẩy dự đoán về thời điểm mức sử dụng dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh, vì trợ cấp công cộng và công nghệ cải tiến giúp người tiêu dùng vượt qua mức giá cao ngất ngưởng đối với ô tô chạy bằng pin.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một nhóm gồm 29 quốc gia công nghiệp phát triển, dự kiến mức tiêu thụ dầu của thế giới sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối thập kỷ này ở mức 103 triệu thùng/ngày, sau khi thực hiện các điều chỉnh thường xuyên so với dự báo năm 2017 là gần mức 105 triệu thùng/ngày vào năm 2040.
Apostolos Petropoulos, một nhà xây dựng mô hình năng lượng tại IEA, cho biết: “Các chính sách hỗ trợ xe điện đã thúc đẩy xu hướng điện khí hóa, làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng dầu từ lĩnh vực vận tải, vốn là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu”.
Công ty dầu mỏ khổng lồ BP đã đẩy mạnh dự báo nhu cầu dầu đạt đỉnh điểm toàn cầu, trong khi chính phủ Mỹ và Trung Quốc – hai nước sử dụng dầu lớn nhất thế giới – đã điều chỉnh lại dự báo tiêu thụ trong nước của họ.
Theo IEA, vận tải chiếm khoảng 60% nhu cầu dầu thế giới, trong đó riêng Mỹ chiếm khoảng 10%. Tỷ trọng đó sẽ giảm vì IEA dự đoán xe điện sẽ làm giảm khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày trong nhu cầu dầu thế giới vào năm 2030.
Theo IEA, doanh số bán xe điện toàn cầu hiện chiếm khoảng 13% tổng doanh số bán xe và có khả năng tăng lên khoảng 40% -45% thị trường vào cuối thập kỷ này. Đó là nhờ sự kết hợp giữa các tiêu chuẩn hiệu quả ngày càng nghiêm ngặt và các khoản trợ cấp do nhiều chính phủ trên thế giới đưa ra kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015.
Mặc dù con số trên là rất lớn, nhưng IEA cho biết doanh số bán xe điện sẽ cần phải cao hơn nữa – khoảng 70% thị trường vào năm 2030 – để duy trì mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015.
Dù vậy, các nhà sản xuất đang tỏ ra kém hào hứng trong việc xuất xưởng các mẫu xe điện. Các “ông lớn” ô tô như General Motors, Ford và Stellantis trong những tuần gần đây đã trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch đẩy nhanh sản xuất xe điện trong bối cảnh chi phí lao động tăng cao.
Tuy nhiên, về lâu dài, chi phí pin xe điện giảm khiến một số nhà nghiên cứu cảm thấy lạc quan.
Theo các chuyên gia trong ngành, tỷ lệ sử dụng xe điện trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào giá xe và mức độ phân bổ hệ thống trạm sạc. Trung Quốc có lợi thế về cả hai mặt.
Theo công ty nghiên cứu JATO Dynamics của Anh, một chiếc xe điện trung bình ở Trung Quốc có giá 33.964 USD (hơn 824 triệu đồng) vào giữa năm 2023. JATO nhận thấy chiếc xe điện rẻ nhất ở Trung Quốc rẻ hơn 8% so với chiếc xe chạy bằng xăng rẻ nhất. Đó là nhờ các khoản trợ cấp lớn của chính phủ Trung Quốc và nguồn đất hiếm trong nước, vốn là nguyên liệu rất quan trọng trong sản xuất xe điện.
Xe điện chiếm khoảng 1/4 thị trường ở Trung Quốc và quốc gia này dự kiến sẽ dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu.
Ngược lại, tại Mỹ, giá trung bình cho một chiếc xe điện là hơn 53.000 USD (hơn 1,29 tỷ đồng), theo công ty nghiên cứu ô tô Kelley Blue Book, cao hơn khoảng 5.000 USD so với một chiếc ô tô chạy bằng xăng.
Mỹ cũng thua xa Trung Quốc về tổng số trạm sạc công cộng. Hiện Mỹ có khoảng 52.000 trạm sạc công cộng, châu Âu có khoảng 400.000 còn Trung Quốc sở hữu khoảng 1,2 triệu trạm.
Mặc dù vậy, theo IEA, xe điện dự kiến sẽ tăng tới 50% số lượng đăng ký ô tô mới ở Mỹ vào năm 2030, do người tiêu dùng bị thu hút bởi công nghệ cải tiến, giá thành giảm và triển vọng tránh khỏi sự biến động của giá xăng.
Theo Bắc Hiệp/Kinh tế Môi trường
Nguồn: https://ngaynay.vn/xe-dien-se-dat-dau-cham-het-cho-thoi-dai-dau-mo-post141009.html