QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nghịch cảnh các “ông lớn” ngành vàng

Những năm qua, thị trường vàng Việt Nam tăng trưởng khá mạnh, đặc biệt phân khúc trang sức với khoảng 17 tấn tiêu thụ trong năm 2018 song chỉ một mình ông lớn PNJ tận dụng được cơ hội này.

Theo số liệu từ Hội đồng Vàng thế giới, Việt Nam tiêu thụ hơn 50 tấn vàng trong năm 2018 và nằm trong số những quốc gia tiêu thụ vàng trên đầu người lớn trên thế giới.

Mặc dù quy mô tiêu thụ khá lớn, nhưng thị trường vàng Việt Nam hiện khá phân mảnh khi 70% thị phần vẫn thuộc về các cửa hàng vàng truyền thống. Phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp có quy mô lớn như PNJ, Doji, SJC.

Theo báo cáo tài chính năm 2018, SJC ghi nhận doanh thu 20.871 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước và chấm dứt chuỗi 3 năm tăng trưởng liên tiếp. Với doanh thu giảm sút, không bất ngờ khi lợi nhuận SJC trong năm qua giảm 65% xuống còn 28 tỷ đồng.

Tương tự, trong năm 2018, Doji (công ty mẹ) cũng ghi nhận doanh thu 63.126 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Lợi nhuận ròng năm 2018 tăng 2,2 lần lên 80 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, doanh thu PNJ năm 2018 tăng trưởng 33%, đạt 14.573 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng năm 2018 của PNJ cũng ghi nhận con số kỷ lục với 960 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.

Điều gì dẫn đến sự chênh lệch về tỷ suất lợi nhuận của các “đại gia” ngành vàng Việt Nam?

Những năm gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang dần dịch chuyển cơ cấu sang mảng vàng trang sức, kim cương, đây là những sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với vàng miếng.

PNJ là trường hợp tiêu biểu cải thiện kết quả kinh doanh nhờ dịch chuyển cơ cấu sản phẩm. Giai đoạn 2010 – 2011, vàng miếng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu PNJ (khoảng 80%) khiến biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp chỉ đạt quanh ngưỡng 4%. Tuy nhiên, nhờ thay đổi cơ cấu sản phẩm sang vàng trang sức, biên lợi nhuận gộp của PNJ đã liên tục cải thiện và đến năm 2017 đã lên đến 17,4%. Trong năm 2018, biên lợi nhuận gộp PNJ tiếp tục được cải thiện lên trên 19%.

Trong khi đó, tốc độ dịch chuyển sang mảng trang sức của SJC và Doji có phần chậm chạp hơn khiến biên lợi nhuận mỏng chỉ vài chục tỷ đồng, bất chấp doanh thu lên tới “tỷ đô”. Ngược lại, doanh thu PNJ dù chỉ bằng một phần nhỏ của Doji, SJC nhưng lợi nhuận lại vượt xa đối thủ.

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, PNJ vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới nhờ những yếu tố sau:

– Nhu cầu đối với trang sức có thương hiệu ngày càng gia tăng;

– PNJ không có đối thủ lớn trong mảng bán lẻ trang sức có thương hiệu tại Việt Nam;

– PNJ có thể mở rộng nhanh chuỗi bán lẻ trên toàn quốc;

– Các khoản đầu tư vào hệ thống quản lý ERP, phát triển dữ liệu lớn (big data) và bán hàng đa kênh (omni-channel) sẽ giúp cải thiện hiệu quả vận hành;

– PNJ đang mở rộng hoạt động sang những lĩnh vực giàu tiềm năng khác như đồng hồ.

Trên thị trường chứng khoán, tại thời điểm 9h45′ ngày 21/05, giá cổ phiếu PNJ đạt 107.000/cổ phiếu với khối lượng giao dịch thành công đạt 84.260 cổ phiếu. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường PNJ đạt hơn 18.000 tỷ đồng.

Hôm nay, 21/05 là ngày PNJ chốt quyền chi trả cổ tức đợt 3/2018 bằng tiền tỷ lệ 2%. Thời gian thanh toán sẽ thực hiện vào ngày 04/06 tới.

Theo Yến Thanh/Thời báo chứng khoán