QC 1
Thứ 3, ngày 21/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Từ 5/10, trạm dừng nghỉ đường bộ phải có trụ sạc xe điện

Thông tư 09/2024/TT-BGTVT, quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ mới nhất có hiệu lực từ 5/10, trong đó bổ sung quy định trạm dừng nghỉ đường bộ có trụ sạc xe điện.

Mới đây, Bộ GTVT ban hành Thông tư 09/2024 sửa đổi 01:2024 QCVN 43:2012 quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, trong đó bổ sung quy định trạm dừng nghỉ đường bộ có trụ sạc xe điện. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/10/2024.

Cụ thể, Thông tư 09/2024 nêu rõ: Kể từ thời điểm 5/10/2024; những trạm dừng nghỉ xây mới trên các tuyến cao tốc, quốc lộ hoặc đường tỉnh đều phải có điểm đỗ cũng như trạm sạc cho xe điện.

Các trạm dừng nghỉ loại 1 (có tổng diện tích 10.000 m2 trở lên và khu vực đỗ xe từ 5.000 m2 trở lên) và các trạm dừng nghỉ loại 2 (có tổng diện tích 5.000 m2 trở lên, bãi đỗ từ 2.500 m2 trở lên) bắt buộc phải có số lượng vị trí đỗ cho xe điện vào sạc chiếm tối thiểu 10% tổng vị trí đỗ xe.

Với các trạm dừng loại 3, 4 có diện tích khai thác tối thiểu lần lượt từ 3.000 m2 và 1.000 m2 trở lên, yêu cầu về số vị trí đỗ xe điện chiếm 10% bãi xe dừng ở mức “khuyến khích có”.

Đồng thời, theo thông tư 09/2024 của Bộ GTVT, những trạm dừng nghỉ đã khai thác trước 5/10/2024, cũng sẽ buộc phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo số lượng trạm sạc, cũng như khu vực đỗ cho xe điện theo đúng quy chuẩn trước thời hạn 1/1/2027.

Các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ được chia làm 3 nhóm, gồm: Các công trình dịch vụ công (cung cấp dịch vụ miễn phí), các công trình dịch vụ thương mại và các công trình bổ trợ.

Hiện hành, các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ được chia làm 3 nhóm gồm: Các công trình dịch vụ công; các công trình dịch vụ thương mại và các công trình bổ trợ, trong đó bắt buộc phải có các công trình từ a đến e được quy định tại điểm 2.2.1 của QCVN 43:2012 của Bộ GTVT.

Trong Thông tư 09/2024 quy định công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) gồm: Bãi đỗ xe; Không gian nghỉ ngơi; Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; Khu vệ sinh; Nơi cung cấp thông tin; Nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; Nơi trực nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, sơ cứu tai nạn giao thông.

Hiện hành chỉ quy định là nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.

Thông tư 09/2024 cũng có nếu các công trình dịch vụ thương mại của trạm dừng nghỉ gồm có: Khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; Khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; Trạm cấp nhiên liệu; Xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; Nơi rửa xe; Phòng ngủ cho lái xe và hành khách lưu trú qua đêm; Khu vực lắp đặt trụ sạc điện, thiết bị sạc điện; (Nội dung mới bổ sung); Trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng (Nội dung mới bổ sung).

Công trình bổ trợ (chỉ khuyến khích) gồm có: Biểu trưng của địa phương hoặc của trạm dừng nghỉ; Nơi sản xuất, chế biến đặc sản của địa phương; Nơi sinh hoạt cộng đồng (tổ chức hội chợ, hoạt động văn hóa). Bên cạnh đó quy định số vị trí đỗ xe tối thiểu có thể bố trí xe ô tô vào sạc điện chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe; việc đầu tư hạ tầng dành để lắp đặt trụ sạc, thiết bị sạc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư.

Hiện tại, ngoài thương hiệu ô tô Việt Nam VinFast – đã triển khai được hơn 150.000 cổng sạc tại 80/85 thành phố trên cả nước (số liệu thống kê được tính đến hết tháng 10/2023). Nhiều thương hiệu khác – từ cao cấp tới bình dân – cũng đã bắt tay vào kinh doanh sản phẩm xe điện; nhưng vẫn chưa thể xây dựng được mạng lưới trạm sạc đại trà số lượng lớn, như: Mercedes-Benz, Audi, Porsche, Hyundai, Wuling, Haima…

Theo Anh Vũ/ Kinh Tế Chứng Khoán