QC 1
Thứ 4, ngày 15/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Áp lực bán tăng mạnh, VN-Index giảm gần 13 điểm

Áp lực bán xuất hiện mạnh ngay từ đầu phiên chiều khiến VN-Index liên tục mất điểm và lùi về sát khu vực 1040. Khối lượng giao dịch gia tăng so với phiên trước, nhưng giá trị giao dịch giảm thể hiện áp lực bán nhiều.

Kết phiên giao dịch ngày 14/3, VN-Index giảm 12,67 điểm (-1,20%) về mức 1.040,13 điểm, khối lượng giao dịch gia tăng so với phiên trước thể hiện áp lực bán mạnh hơn.

VN30 giảm 12,72 điểm (-1,21%) về mức 1.037,35 điểm, HNX-INDEX giảm mạnh hơn -3,30 điểm (-1,60%) về 202,55 điểm, UpCom giảm 0,61 điểm (-0,80%) về 75,77 điểm. Thanh khoản trên 02 sàn HOSE, HNX đạt 11.576,22 tỉ đồng, trên mức trung bình, tương ứng với 675 triệu cổ phiếu được giao dịch.

VN-Index chịu áp lực bán ngay từ khi mở cửa phiên sáng với 365 mã giảm điểm (5 mã giảm sàn), 56 mã tăng điểm (03 mã tăng trần). Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 1.324,04 tỷ đồng, bán ra 937,94 tỷ đồng, tiếp tục duy trì mua ròng với mức độ giảm so với phiên trước tương ứng 386,09 tỉ đồng. Duy trì mua ròng với giá trị 13,53 tỷ đồng trên HNX.

Thi-truong-chung-khoan-trong-nuoc-sut-giam-manh-thoi-gian-qua
VN-Index giảm gần 13 điểm trong phiên giao dịch ngày 14/3. Ảnh minh họa

Nhóm cổ phiếu thép và dầu khí chịu tác động lớn nhất với mức giảm gần 3%. Các mã giảm điểm mạnh như PVD (-5,94%), PVT (-5,71%), VIP (-5,0%), PVS (-4,60%).. dưới áp lực giảm giá của giá dầu cũng như nỗi lo suy thoái kinh tế. Nhóm thép cũng chịu áp lực bán mạnh như NKG (-5,79%), HSG (-4,01%), TLH (-3,95%), HPG (-3,79%).

Nhóm cổ phiếu xây dựng, đầu tư công ngoại trừ LCG tăng 2,06% hầu hết đều chịu áp lực bán mạnh như VCG (-4,71%), PLC (-3,96%), HT1 (-3,69%), C4G (-3,60%)… Tương tự ở nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài VHM, PDR giữ được mức giá tham chiếu thì đều chịu áp lực bán mạnh như DIG (-5,17%), DXG (-4,91%), HDC (-4,02%), SCR (-3,66%)…

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính chứng khoán cũng chịu áp lực điều chỉnh với khối lượng gia tăng như EIB (-3,73%), BID (-2,59%), STB (-2,40%)… HCM (-4,58%), MBS (-4,41%), BSI (-3,94%), VCI (-3,87%)…

Thanh khoản toàn thị trường có phần được cải thiện nhưng áp lực bán chủ động lên đến hơn 80% cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trước những thông tin không mấy tích cực của kinh tế thế giới. Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị, các nhà đầu tư nên chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt để quản trị tối đa rủi ro trong ngắn hạn. Đồng thời, kiênnhẫn đợi chờ những tín hiệu tạo điểm cân bằng rõ ràng hơn thay vì giải ngân bắt đáy sớm.

Chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, hoạt động mua ròng của khối ngoại sẽ hỗ trợ thị trường trong giai đoạn này, tuy nhiên thị trường sẽ thiếu vắng các yếu tố tạo động lực đi lên trước thời điểm cuộc họp của FOMC. Do vậy, thiên về khả năng thị trường sẽ có diễn biến điều chỉnh tích lũy trước thời điểm Fed có quyết định chính thức về lãi suất.

Nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý, tránh sử dụng margin và đẩy tỷ trọng danh mục lên cao trong giai đoạn này. Các hoạt động trading có thể ưu tiên cổ phiếu có sẵn, tập trung các cổ phiếu có lực mua từ nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Nguyễn Luận/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/ap-luc-ban-tang-manh-vn-index-giam-gan-13-diem-p44756.html