QC 1
Thứ 7, ngày 27/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bao giờ có khung pháp lý với tiền ảo?

Cơ chế ứng xử với tiền ảo, tài sản ảo cũng là một yêu cầu đặt ra trong quản lý, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh trong thanh toán hay vấn đề liên quan đến tiền tệ.

Tại hội thảo “Ngăn chặn khủng hoảng tài chính và tương lai của tiền tệ – tiền điện tử” được tổ chức vào ngày 16/8 do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), Cục Quản lý Giám sát Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài Chính và Ernst & Young Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội, các ý kiến cho biết, trên thế giới có khá nhiều loại tiền ảo (tiền điện tử). Do đó, cơ chế ứng xử với tiền ảo, tài sản ảo cũng là một yêu cầu đặt ra trong quản lý, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh trong thanh toán hay vấn đề liên quan đến tiền tệ.

Theo Phó trưởng phòng Pháp luật Kinh tế ngành, Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Cảnh Thăng, đến nay tại Việt Nam chưa có văn bản pháp lý nào chính thức quy định về tài sản ảo, tiền ảo, đang có khoảng trống liên quan đến vấn đề này. Tại các văn bản pháp luật về tín dụng ngân hàng, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Tổ chức tín dụng, pháp luật về ngoại hối và các quy định pháp luật liên quan thì tài sản ảo hay tiền ảo không được xem là tiền hay là phương tiện thanh toán.

Trong khi thực tế, những giao dịch liên quan đến tiền ảo vẫn diễn ra và không có quy định pháp lý, những vụ việc vẫn phát sinh nhưng không có căn cứ để xử lý vi phạm.Ngoài việc xây dựng các quy định để điều chỉnh, ông Thăng cho rằng phải hoàn thiện chế tài, phải có khung pháp lý, quy định pháp luật liên quan đến hình sự. Đây là vấn đề đang đặt ra với các cơ quan nghiên cứu trong hoàn thiện pháp luật.

Theo Thảo Nguyên/Kinh tế & đô thị