Năm 2023, phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn chứng khoán đều đạt lợi nhuận tăng trưởng dương. Các chuyên gia cho rằng, năm 2024, ngành bảo sẽ ổn định trở lại sau khi vượt qua khủng hoảng niềm tin; thị trường bảo hiểm cũng được dự báo trở nên lành mạnh, minh bạch hơn sau nhiều cuộc thanh lọc, chấn chỉnh.
Lợi nhuận đồng loạt “cất cánh”
Kết quả kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn cho thấy một tín hiệu đáng mừng đối với ngành bảo hiểm khi lợi nhuận đồng loạt phục hồi, tăng trưởng dương ở mức 2 chữ số so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong năm 2023 là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (HoSE: MIG). Với lãi sau thuế hơn 280 tỷ đồng, MIG ghi nhận tăng trưởng gần 76% so với mức thực hiện năm 2022. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt mức cao thứ hai trong lịch sử hoạt động, tương đương gần 3.594 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 51%, đạt hơn 293 tỷ đồng cũng đóng góp không nhỏ vào kết quả lợi nhuận của MIG.
Ba doanh nghiệp bảo hiểm là Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội (HNX: PRE), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) đều báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 tăng trên 30% so với năm 2022.
Cụ thể, PRE đạt lãi sau thuế 202 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 32%. BIC đạt lãi sau thuế 456,7 tỷ đồng, tăng trưởng 43,5%. Động lực tăng trưởng của 2 doanh nghiệp này đều đến từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính khi doanh thu từ 2 mảng này đều ghi nhận tăng trưởng ở mức 2 chữ số so với cùng kỳ.
Về phía AIC, doanh nghiệp đạt lợi nhuận 30,6 tỷ đồng, tăng mạnh ở mức 47%. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng như hoạt động tài chính đều sụt giảm so với cùng kỳ. Để đạt được tăng trưởng lợi nhuận, AIC đã tiết giảm mạnh tay các chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở mức 17,3% còn hơn 1.887 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí của AIC.
Trong năm 2023, có tới 6 doanh nghiệp bảo hiểm đạt lợi nhuận tăng trưởng trên 10%, chiếm gần một nửa các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn. Theo đó, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI) báo lãi sau thuế tăng 11%, đạt 246 tỷ đồng. Tổng công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (HNX: VNR) báo lãi sau thuế tăng 11,9%, đạt 423,5 tỷ đồng. Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI) báo lãi sau thuế tăng 12,5%, đạt 229 tỷ đồng. Tổng công ty cổ phần bảo Minh báo lãi sau thuế tăng 13%, đạt 329 tỷ đồng.
Đặc biệt, 2 “ông lớn” trong ngành bảo hiểm là Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) và Công ty cổ phần PVI (HoSE: PVI) đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế vượt nghìn tỷ đồng, lần lượt đạt 1.798 tỷ đồng và 1.022 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng ở mức 10,6% và 17%.
Điểm chung của 5 doanh nghiệp này là doanh thu từ hoạt động tài chính đều tăng mạnh, trong khi doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi chỉ tăng nhẹ hoặc đi ngang.
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) từng ghi nhận lỗ đậm hơn 347 tỷ đồng trong năm 2022, sang năm 2023 đã có lợi nhuận dương trở lại với khoản lãi hơn 252 tỷ đồng, tương đương giai đoạn năm 2020-2021 và tăng trưởng bằng lần so với các năm trước đó.
Hai doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất không đạt tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm 2023 là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (UPCoM: BHI). Trong đó, lợi nhuận sau thuế của BLI đi ngang so với cùng kỳ, đạt gần 89 tỷ đồng do thiếu trợ lực từ doanh thu hoạt động tài chính, trong khi một số loại chi phí có phần gia tăng mạnh. Về phía BHI, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này giảm 12,8% so với cùng kỳ, đạt 29 tỷ đồng do sự sụt giảm ở cả hoạt động kinh bảo hiểm lẫn hoạt động tài chính.
ĐI qua khó khăn
Năm 2023, ngành bảo hiểm gặp khủng hoảng niềm tin khi xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến các vụ lùm xùm tranh chấp giữa người mua và người bán. Lần đầu tiên trong vòng hàng chục năm, doanh thu phí bảo hiểm ghi nhận sụt giảm sau khi liên tục tăng trưởng dương ở mức 2 chữ số.
Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2023 ước đạt ước đạt 227.100 tỷ đồng, giảm 8,33% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ giảm 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%. Dù mảng phi nhân thọ vẫn ghi nhận tăng trưởng, nhưng đã co hẹp rất nhiều với mức tăng trưởng 2 chữ số ở những năm trước.
Thống kê số liệu từ các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn, chỉ có duy nhất 2 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng 2 chữ số, những doanh nghiệp còn lại chỉ đạt tăng trưởng nhẹ hoặc thậm chí sụt giảm. Như vậy, dù lợi nhuận đồng loạt “cất cánh”, hoạt động kinh doanh cốt lõi lại không cho thấy sức bật ấn tượng.
Sang năm 2024, các chuyên gia cho rằng ngành bảo hiểm sẽ ổn định trở lại sau khi vượt qua khủng hoảng niềm tin. Sau nhiều cuộc thanh lọc, chấn chỉnh của Bộ Tài chính trong năm 2023, thị trường bảo hiểm thời gian tới được dự báo trở nên lành mạnh, minh bạch hơn, tập trung vào chất hơn là lượng. Lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng cơ hội bứt phá trong năm 2024 vẫn mở ra đối với những doanh nghiệp biết nắm bắt, khai thác thế mạnh của mình.
Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Cục QLGSBH), năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến đạt 243.472 tỷ đồng, tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12%), doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ dự kiến đạt 163.785 tỷ đồng (tăng 5%).
Với các nền tảng vĩ mô, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đại diện Cục QLGSBH kỳ vọng thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tạo “cú huých” về quy mô và chất lượng phát triển trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục QLGSBH cho biết, thị trường bảo hiểm đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất nên cần thêm thời gian để chuyển biến theo hướng tăng chiều sâu, tăng chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế – xã hội.