QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bộ Xây dựng đề nghị doanh nghiệp ưu tiên xây nhà ở vừa túi tiền

Để thị trường bất động sản tốt hơn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp bất động sản chủ động thực hiện một số giải pháp như đa dạng hóa nguồn vốn, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phầm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.

Nan giải tồn kho bất động sản

Báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam tại Diễn đàn “ Thị trường bất động sản năm 2024 – Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” do Báo Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Cộng đồng Review Bất động sản tổ chức chiều nay 18/1 cho thấy, trong năm 2023 vừa qua tồn kho bất động sản tiếp tục là vấn đề nan giải. Dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn khi các phân khúc phải tháo gỡ, giải quyết cho lượng tồn kho bất động sản từ các năm trước để lại.

Cụ thể, lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà chung cư trong quý IV bằng khoảng 88,42% so với quý III/2023. Trong khi đó, lượng tồn kho thuộc phân khúc đất nền bằng khoảng 115,66% so với quý III/2023 và lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 78,93% so với quý III/2023.

Lượng giao dịch trong phân khúc đất nền, căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong Quý IV giảm hơn với Quý III/2023 (trong quý IV/2023 có 81.476 giao dịch đất nền, bằng khoảng 89,26% so với quý III/2023); đối với giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý IV/2023 có 27.590 giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 92,82% so với quý III/2023.

Diễn đàn “ Thị trường bất động sản năm 2024 – Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng DN BĐS và các chuyên gia trong và ngoài nước.

Lượng giao dịch giảm, giá bất động sản ghi nhận chỉ có một số phân khúc tăng. Cụ thể, giá căn hộ chung cư tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các khu vực trung tâm tiếp tục xu hướng tăng giá; giá thuê bất động sản công nghiệp cũng có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước. Còn lại, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ trong năm 2023 tại các địa phương có xu hướng giảm đều theo quý và giảm từ 10-14% so với năm 2022; giá cho thuê văn phòng tại các thành phố lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm giá thuê 9-22% so với quý trước; giá bán và lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm và hạn chế về giao dịch.

Điều này cho thấy mặc dù đã có nhiều điều chỉnh quyết liệt song tới nay, cơ cấu sản phẩm BĐS vẫn còn bất hợp lý, phân khúc nhà ở trung, cao cấp, BĐS du lịch có biểu hiện dư thừa, trong khi đó thiếu nghiêm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại cho đối tượng thu nhập thấp, trung bình. Giá BĐS, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

Cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm: “cửa sáng cho thị trường 2024”

Trước thực trạng hàng tồn kho BĐS và sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm, từ đầu năm 2024 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp BĐS cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.

Động thái này là minh chứng cho nỗ lực quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để thị trường bất động sản tốt hơn, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: Về nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.

Trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ. Về giá thành sản phẩm bất động sản, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phầm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.

Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp BĐS tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ.

Còn theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, để tháo gỡ bất ổn liên quan đến bất hợp lý trong cơ cấu nhà ở do lệch pha cung cầu, các địa phương cần xây dựng chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp Chiến lược phát triển nhà quốc gia ở 2030-2045, có sự cân đối cung cầu các phân khúc BĐS. Đồng thời cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về cách thức huy động các nguồn lực khác từ xã hội và có giải pháp hữu hiệu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp khả năng chi trả theo cơ chế thị trường, tăng cường hỗ trợ, ưu đãi nhất định về đất đai, thuế và các chính sách ưu đãi khác về đầu tư nhà ở xã hội. Bố trí đầy đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị.

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm giúp cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong năm 2024. Chúng tôi tin tưởng những chính sách của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thông chính trị với những chính sách đã và đang triển khai thì trong năm 2024, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, phát triển bền vững”, thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.

Theo Ngày Nay