QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

BRT Hà Nội trước nguy cơ bị ‘khai tử’

Tuyến xe buýt nhanh (BRT) đầu tiên của Hà Nội chính thức được đưa vào hoạt động vào năm 2016 với tuyến kết nối từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã, dài khoảng 14,7km với 21 trạm dừng.

Theo Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016, giai đoạn từ 2011 đến 2030 thành phố xây dựng 8 tuyến BRT nhưng hiện nay mới làm được 1. Đó là tuyến BRT số 01 Kim Mã – Yên Nghĩa được đưa vào sử dụng vào tháng 12/2016.

Tuyến BRT số 01 có tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng). Tuyến dài 14,7km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỷ đồng/xe. Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, hiệu quả tuyến BRT Kim Mã – yên Nghĩa tỏ ra rất hạn chế vì lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ – Láng Hạ – Lê Văn Lương làm đường ưu tiên. Đây trục đường có lưu lượng giao thông đông nên việc hoạt động, khai thác của tuyến gặp khó khăn.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, do lưu lượng giao thông đông và làn đường ưu tiên đang khai thác đúng tiêu chuẩn nên buýt nhanh hoạt động không khác gì buýt thường, vào giờ cao điểm vẫn chạy chậm như các tuyến buýt thông thường.

Mới đây, Phó chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của quy hoạch chung Thủ đô, đồng bộ với quy hoạch Thủ đô; trong đó bổ sung 24 tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

4 tuyến được bổ sung nâng tổng số tuyến đường sắt đô thị của thành phố lên 14, tổng chiều dài 550km. “Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là xương sống của giao thông đô thị, kết nối đường bộ, đường không và tương lai cả đường thủy”, ông Tuấn nói.

Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 04 năm 2017 với mục tiêu hạn chế xe máy ở các quận vào năm 2030. Tuy nhiên, sau 7 năm, việc thực thi nghị quyết đang gặp khó do tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn thấp. Các nghiên cứu cho thấy chỉ khi tỷ lệ vận tải phương tiện công cộng đạt 30-50% mới có thể tính đến việc hạn chế xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Hà Nội hiện mới đạt 19,5%.

Phó chủ tịch Hà Nội  cho rằng nếu hoàn thành đúng kế hoạch xây dựng 400km đường sắt đến 2035 thì việc hạn chế xe máy mới khả thi.

Theo ông Tuấn, BRT là tiền đề để chuẩn bị cho đường sắt đô thị. “Buýt nhanh trở thành buýt thường, buýt chậm. Điều chỉnh quy hoạch chung có lĩnh vực giao thông, thành phố sẽ thay thế BRT Kim Mã – Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11”, ông nói.

Dưới đây là một số hình ảnh Tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa:

Tuyến BRT đầu tiên chính thức được đưa vào hoạt động kết nối từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã.
Tuyến dài 14,7km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỷ đồng/xe.
Tuyến BRT 01 Kim Mã – Yên Nghĩa được phê duyệt từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư khoảng 55 triệu USD, tương đương 1.100 tỷ đồng.
Dự án xây dựng làn đường dành riêng rộng 2,5m ở bên trái sát dải phân cách giữa cho xe buýt hoạt động (buýt thường dừng đón, trả khách ở làn phải sát vỉa hè).
Sau 7 năm đi vào vận hành, tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội đứng trước nguy cơ bị “khai tử” do chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Theo đó, trong điều chỉnh quy hoạch chung có lĩnh vực giao thông, thành phố sẽ thay thế BRT Kim Mã – Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.
Nhà chờ xe buýt BRT tuyến Kim Mã – Yên Nghĩa thường khá vắng vẻ.
Lượng khách tham gia xe buýt nhanh tương đối đông vào giờ cao điểm, còn giờ bình thường thì khá ít.
Thẻ lên xe buýt thay cho vé giấy thông thường.
Một hành khách thường xuyên di chuyển tuyến BRT chia sẻ: “Mình thấy đi làm bằng tuyến buýt này rất thuận tiện, nhanh, sạch sẻ. Chỉ có hơi tắc vào giờ cao điểm, nhất là đoạn qua đường Lê Văn Lương, phương tuyển di chuyển đông đúc. Bên cạnh đó, có nhiều xe lấn hẳn vào làn đường ưu tiên của BRT”
Hình ảnh tại nút giao Lê Văn Lương với Hoàng Minh Giám và Nguyễn Tuân trong giờ cao điểm. Có thể nhận thấy các phương tiện xe ô tô chia thành 3 làn, dẫn đến việc các xe máy phải lấn vào làn BRT mới có thể thoát thân.
Liên tiếp các xe buýt BRT nối đuôi nhau và nằm kẹt giữa “ma trận” giao thông. Theo quy định, ô tô đi vào làn BRT sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng, nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn bất chấp đi vào làn chỉ dành cho xe buýt nhanh này.

Theo Anh Hùng/ VietnamFinance