QC 1
Thứ 2, ngày 13/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Các ngân hàng Indonesia phải tái cơ cấu khoản vay 42 tỷ USD

Hết tháng 4/2022, ngành ngân hàng Indonesia còn phải cơ cấu 42 tỷ USD nợ dù áp lực kinh tế do đại dịch COVID-19 đã giảm bớt.

Theo Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK), tính đến hết tháng 4/2022, các ngân hàng của Indonesia còn phải tái cơ cấu các khoản vay với tổng trị giá 606.390 tỷ rupiah (42 tỷ USD) dù áp lực kinh tế do đại dịch COVID-19 đã giảm bớt.

Tại phiên điều trần hôm 31/5 trước Ủy ban XI thuộc Hạ viện, Chủ tịch OJK Wimboh Santoso cho biết con số nói trên đã giảm so với mức kỷ lục 1 triệu tỷ rupiah hồi năm 2020.

Ngân hàng trung ương Indonesia

Chủ tịch OJK cũng bày tỏ hy vọng rằng cùng với sự gia tăng tín dụng và tăng trưởng kinh tế, các khoản nợ cần tái cơ cấu ở các ngân hàng Indonesia sẽ giảm dần trước khi trở lại trạng thái bình thường.

Nhân dịp này, OJK cũng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục theo dõi và trích lập dự phòng cho các khoản vay này. Tính đến thời điểm này, các ngân hàng đã trích lập dự phòng khoảng 116.200 tỷ rupiah cho các khoản nợ xấu.

OJK còn cho biết thêm rằng các công ty tài chính ở Indonesia đang phải tái cơ cấu các khoản phải thu lên tới 28.720 tỷ rupiah, giảm so với mức kỷ lục 78.820 tỷ rupiah vào tháng 10/2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Số nợ phải tái cơ cấu của các công ty này chiếm khoảng 7,22% tổng giá trị các khoản cho vay lên tới 397.730 tỷ rupiah.

Giống như các ngân hàng, các công ty tài chính cũng được OJK yêu cầu tiếp tục trích lập dự phòng nợ xấu. Theo cơ quan này, tỷ lệ bao nợ xấu của các công ty tài chính ở Indonesia hiện ở mức 98,37%.

Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế thời gian tới, vào ngày 20/5, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,3-5,9%, đồng thời tính đến nhiều rủi ro và tiềm năng phục hồi kinh tế quốc gia.

Ngoài tăng trưởng kinh tế, chính phủ cũng đề xuất một loạt chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác được sử dụng làm giả định cơ bản cho việc lập kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2023, bao gồm lạm phát 2-4%, tỷ giá 14.300-14.800 rupiah đổi 1 USD, lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm từ 7,34-9,16%.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô khác bao gồm giá dầu thô chuẩn Indonesia từ 80-100 USD/thùng, sản lượng khai thác dầu 619.000-680.000 thùng/ngày và khí đốt từ 1,02-1,11 triệu thùng/ngày.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng các động lực liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ lạm phát, chi phí lãi suất và việc siết chặt chính sách tiền tệ quốc tế cần được giải quyết bằng kỷ luật tài khóa phù hợp.

Do đó, chính sách tài khóa năm 2023 được thiết kế để có thể ứng phó với các động lực của nền kinh tế và các thách thức, đồng thời hỗ trợ tối đa để đạt được các mục tiêu phát triển.

Theo Lâm Tuyền/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/cac-ngan-hang-indonesia-phai-tai-co-cau-khoan-vay-42-ty-usd-129722.html