QC 1
Thứ 6, ngày 24/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cách tính thuế tài nguyên có đang cổ xúy doanh nghiệp né thuế?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cách xác định giá tính thuế tài nguyên đang khiến doanh nghiệp có động lực chuyển các hoạt động sàng, tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng… ra nước ngoài để né thuế.

Cách tính thuế tài nguyên có đang cổ xúy doanh nghiệp né thuế?

Theo VCCI, vấn đề bất cập của pháp luật về thuế tài nguyên đã được các doanh nghiệp phản ánh từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở sự xung đột về mức thu thuế mà còn nằm ở cách tính thuế và sự ổn định của pháp luật thuế. Chính điều này đã làm ngành công nghiệp khai thác và đặc biệt là chế biến khoáng sản khó phát triển. Năm 2020, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 152/2015/TT-BTC về thuế tài nguyên.

Theo quy định của các nghị định và thông tư hướng dẫn về thuế tài nguyên, giá tính thuế không chỉ bao gồm giá trị của tài nguyên khai thác lên khỏi mặt đất mà còn bao gồm cả giá trị được tạo ra từ các hoạt động sàng, tuyển, làm giàu, sản xuất, chế biến.

VCCI cho rằng cách xác định giá tính thuế này khiến các doanh nghiệp có động lực chuyển các hoạt động sàng, tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng, thậm chí chế biến khoáng sản ra nước ngoài để né thuế.

Ví dụ, giả sử một lượng quặng khai thác lên có giá trị 2 tỷ đồng. Hoạt động sàng tuyển, phân loại, làm giàu có thể làm tăng giá trị của lượng tài nguyên đó lên thành 3 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp thực hiện hoạt động sàng tuyển, phân loại, làm giàu này tại Việt Nam thì phải đóng thuế toàn bộ phần giá trị 3 tỷ đồng đó. Còn nếu doanh nghiệp vận chuyển quặng thô ra nước ngoài và thực hiện việc sàng tuyển, phân loại, làm giàu tại nước ngoài thì chỉ phải chịu thuế tài nguyên cho phần giá trị 2 tỷ đồng.

“Vô hình trung, chính sách thuế như vậy khiến các doanh nghiệp càng thực hiện việc sàng tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng tại Việt Nam thì càng phải mất nhiều tiền thuế hơn so với thực hiện các công đoạn này ở nước ngoài”, VCCI phân tích.

Thêm vào đó, pháp luật thuế tài nguyên cho phép doanh nghiệp kê khai giá tính thuế nhưng không được thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định. VCCI cho rằng quy định này có thể là nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp khai thác tài nguyên liên kết với bên mua để ghi giá bán tài nguyên trên hoá đơn, chứng từ thấp hơn giá thực tế giao dịch. Về bản chất, đây là hoạt động chuyển giá và việc chống chuyển giá bằng quy định như trên là điều cần thiết.

Tuy nhiên, VCCI cho hay có nhiều cách để chống chuyển giá. Cách làm phổ biến trên thế giới là yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh giá của giao dịch tương ứng với giá của các giao dịch độc lập khác (arm’s length principle). Việt Nam đã áp dụng cách này từ năm 2017 để chống chuyển giá trong các giao dịch liên kết đối với thuế thu nhập doanh nghiệp. Song đối với thuế tài nguyên thì nhà nước vẫn áp dụng cơ chế ấn định giá tính thuế. Quan trọng hơn, thẩm quyền ấn định giá tính thuế lại thuộc về UBND cấp tỉnh.

Quan điểm của VCCI cho rằng khoáng sản là lĩnh vực kinh doanh có rủi ro rất cao, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Do đó, việc duy trì một môi trường chính sách thuế ổn định là điều kiện rất quan trọng để có thể thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh doanh bài bản, sử dụng công nghệ cao, thu hồi triệt để tài nguyên.

Tuy nhiên, với cơ chế UBND cấp tỉnh ban hành giá tính thuế tối thiểu như hiện nay thì càng làm gia tăng rủi ro cho các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực khoáng sản.

“Điều này là một phần nguyên nhân khiến cho các dự án khai thác khoáng sản tại Việt Nam thường ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún”, VCCI nhận định.

Theo Lê Nguyễn/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/cach-tinh-thue-tai-nguyen-co-dang-co-xuy-doanh-nghiep-ne-thue-20180504224248264.htm