QC 1
Thứ 4, ngày 15/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cảng Quy Nhơn (QNP): Cổ đông “đón lộc sớm” và lời giải đáp của công ty

Dù mới chào sàn HOSE chưa lâu nhưng cổ phiếu QNP lại sở hữu mức tăng giá “đáng mơ ước”, đem lại niềm vui cho các cổ đông những ngày đầu xuân…

Công ty CP Cảng Quy Nhơn (HOSE: QNP) vừa công bố thông tin và giải trình về việc giá cổ phiếu QNP tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 18/01/2024 đến ngày 24/01/2024. Theo đó, cổ phiếu QNP của Công ty CP Cảng Quy Nhơn mới được đăng ký giao dịch lần đầu từ ngày 18/1/2024. Việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 18/1/2024 đến ngày 24/1/2024 theo đánh giá, nhận định của Cảng Quy Nhơn là do diễn biến khách quan cung cầu của thị trường chứng khoán.

Theo Cảng Quy Nhơn, các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu QNP nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty và công ty cam kết không có bất kỳ sự tác động nào ảnh hưởng đến giá giao dịch cổ phiếu QNP trên thị trường chứng khoán.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu QNP vẫn tiếp tục tăng trần cho đến ngày 26/01, cán mốc 34.200 đồng/cp, tương đương tăng gần 80% so với thời điểm chào sàn.

Mặc dù “sốt giá” nhưng không dễ để các nhà đầu tư mua được QNP, do cổ phiếu liên tục trong tình trạng dư trần. Đồng thời, thanh khoản cũng không cao, với trung bình hơn 17 nghìn cp/ngày so với số lượng hơn 40,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Đáng nói, ngoại trừ phiên 23/01 đột biến khối lượng với hơn 100 nghìn cổ phiếu, các phiên còn lại giao dịch chỉ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu.

Lưu ý rằng, cơ cấu cổ đông của QNP khá cô đặc với hơn 75% sở hữu thuộc về Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty CP (Vinalines, UPCoM: MVN), cùng với lượng sở hữu của các cổ đông khác dẫn đến cổ phiếu trôi nổi trên thị trường không còn quá nhiều.

Cổ phiếu QNP đang liên tục tăng trần

Kinh doanh khởi sắc trước thềm lên HOSE

Về tình hình kinh doanh, Cảng Quy Nhơn vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với doanh thu đạt 243 tỷ đồng, tăng 29 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, lợi nhuận gộp của Cảng Quy Nhơn ghi nhận đạt mức 60 tỷ đồng, tăng 19 tỷ đồng so với quý 4/2022.

Về chi phí trong kỳ, doanh nghiệp này đang cho thấy việc quản lý và tiết giảm hiệu quả dòng tiền quản lý doanh nghiệp, do đó danh mục này giảm mạnh 44 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, dừng ở ngưỡng 25 tỷ đồng.

Cũng nhờ quản lý hiệu quả chi phí quản lý doanh nghiệp, Cảng Quy Nhơn đem về lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2023 đạt 23 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm 2022 lại thua lỗ đến 31 tỷ đồng.

Luỹ kế doanh thu năm 2023, Cảng Quy Nhơn “bốc hơi” 127 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt 942 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại ổn hơn năm 2022 khi tăng 68 tỷ đồng, đạt 112 tỷ đồng.

Theo Ban lãnh đạo Cảng Quy Nhơn, kết quả tình hình kinh doanh khởi sắc mà doanh nghiệp đạt được là do quý 4/2022 công ty đã thực hiện lập dự phòng phải trả liên quan đến tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa Công ty CP Cảng Quy Nhơn và Công ty TNHH vận tải biển Cửu Long với số tiền 53,67 tỷ đồng.

Về cơ cấu vốn của Cảng Quy Nhơn, vốn chủ sở hữu vẫn đang chiếm tỷ trọng chính và tăng lên từ 776 tỷ đồng lên 827 tỷ đồng. Tiếp đến là danh mục nợ phải trả đạt 438 tỷ đồng.

Về cơ cấu tài sản, khoản đầu từ nắm giữ đến ngày đáo hạn của của doanh nghiệp biển này giảm mạnh từ 308 tỷ đồng xuống còn 138 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Cảng Quy Nhơn đang gửi tiền tại số ngân hàng để lấy lãi.

Cụ thể, tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng có tổng giải trị 138 tỷ đồng, được gửi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lãi suất từ 3,9%/năm đến 8,6%/năm.

Công ty CP Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm Cảng biển Nam Trung bộ, nằm trong vịnh Quy Nhơn. Đây được xem là cửa ngõ ra Biển Đông của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông.

Hiện Cảng Quy Nhơn đang đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực kinh doanh. Vừa qua, Cảng Quy Nhơn đã quyết định “giải ngân” gần 195 tỷ đồng cho dự án đầu tư cần trục quay đa năng trên bến số 1. Dự án dự kiến hoàn thành và đi vào khai thác trong năm 2025.

Trước đó, vào tháng 8/2023, Cảng Quy Nhơn đã hoàn thành việc nâng cấp bến số 1 với tổng mức đầu tư hơn 546 tỷ đồng, giúp nâng tổng chiều dài bến lên 480m, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 02 tàu container 30.000 DWT đầy tải.

Động thái cải tiến của Cảng Quy Nhơn nhằm giúp nâng cao công suất xử lý hàng hoá của cảng Quy Nhơn lên mức 15 triệu tấn/năm vào năm 2025.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Cảng Quy Nhơn tiền thân là Cảng Quy Nhơn, được thành lập từ tháng 1/1976 do Cục Đường biển – Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý.
Năm 2009, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định chuyển Cảng Quy Nhơn làm thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và trong năm đó, Cảng Quy Nhơn đã được chuyển thành Công ty TNHH MTV thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Đến cuối năm 2013, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn đã cổ phần hóa thành công và chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, với vốn điều lệ là 404.099.500.000 đồng, ngành nghề kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ cảng biển.

Theo Nguyên Nam/Kinh tế Chứng Khoán