QC 1
Thứ 4, ngày 29/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chủ tịch Chứng khoán SHS: “Lợi nhuận nghìn tỷ là khiêm tốn, kế hoạch tăng vốn sẽ thành công”

Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã: SHS) lên kế hoạch phát hành 899,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 17.126 tỷ đồng. Năm 2024, SHS đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 151% so với năm trước, dự kiến 1.035 tỷ đồng.

Lợi nhuận vượt mốc nghìn tỷ

Chiều ngày 15/5, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 tại Hà Nội để xem xét thông qua các vấn đề quan trọng về thay đổi mô hình quản lý hoạt động, nhân sự cấp cao, tăng vốn điều lệ, kế hoạch kinh doanh…

Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Chứng khoán SHS

Báo cáo về hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc mới của SHS cho biết, bối cảnh kinh tế và thị trường tài chính năm 2023 có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng SHS vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng.

Năm 2023, tổng doanh thu của SHS đạt 1.460 tỷ đồng, giảm nhẹ 5,3% so với năm 2022. Hoạt động tự doanh khởi sắc hơn giúp khoản lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL giảm 44,3% so với năm trước, còn 606,4 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 684,2 tỷ đồng, gấp gần 3,5 lần năm 2022, lãi sau thuế đạt 559,3 tỷ đồng, tăng gần 245%.

So với mục tiêu đề ra, SHS chỉ thực hiện được lần lượt 75% chỉ tiêu doanh thu và 62% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế. Song đây là kết quả tăng trưởng tích cực sau giai đoạn thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Đến cuối năm 2023, tổng giá trị tài sản của SHS tăng 5% lên hơn 11.457 tỷ đồng. Trong đó, các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ tăng gần 16% lên 5.032 tỷ đồng.

Năm 2024, SHS xây dựng kế hoạch tham vọng với tổng doanh thu dự kiến 1.844 tỷ đồng, tăng trưởng 25,9%, lợi nhuận trước thuế ở mức 1.035 tỷ đồng, tăng 151% so với năm trước.

Chỉ 3 tháng đầu năm nay, SHS đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế 444 tỷ đồng, thực hiện khoảng 43% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 356 tỷ đồng, cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động quý 1 chỉ đạt 565 tỷ đồng, giảm gần 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Về kế hoạch đầy tham vọng này, ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch SHS cho rằng, “Mục tiêu lợi nhuận này là khiêm tốn vì chúng tôi đang xây dựng các kế hoạch phát triển, củng cố nền tảng tài chính, mở rộng quy mô vốn, sản phẩm đa dạng,… Hơn thế, chúng tôi đánh giá thị trường sẽ tốt hơn vào các năm tới, thì lợi nhuận kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao hơn”.

Chia cổ tức 5% và tăng vốn khủng gần 9.000 tỷ đồng

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại có thể phân phối là 641,8 tỷ đồng. SHS sẽ chia cổ tức cho cổ đông là 5% bằng cổ phiếu, tương ứng số tiền gần 406,58 tỷ đồng.

Việc chia cổ tức này cũng nằm trong kế hoạch tăng vốn khủng gần 9.000 tỷ đồng trong năm 2024-2025 của SHS vừa được trình lên Đại hội cổ đông thông qua. Theo đó, SHS dự kiến sẽ phát hành tổng cộng 899,5 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ gấp đôi lên 17.125 tỷ đồng. 

Phương án 1: SHS phát hành 40,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 5 cổ phiếu mới).

Phương án 2: SHS phát hành 40,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cổ phần, tỷ lệ 5%, tương ứng 406,6 tỷ đồng.

Phương án 3: SHS chào bán gần 813,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới). Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/CP, chỉ bằng một nửa so với thị giá cổ phiếu SHS trên sàn chứng khoán (hiện ở mức 19.000 đồng/CP). Nguồn vốn thu dự kiến là hơn 8.100 tỷ đồng sẽ được SHS bổ sung nguồn vốn cho vay margin và ứng trước (40% vốn), và 60% cho hoạt động đầu tư chứng khoán.

Phương án 4: SHS phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP 2024) với giá ưu đãi 10.000 đồng/CP, dự thu về 50 tỷ đồng.

Tại phiên thảo luận, cổ đông đánh giá tổng tài sản và nguồn vốn của SHS rất lớn và tài chính lành mạnh, nên dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Do đó cổ đông gợi ý công ty nên huy động vốn vay hoặc vay một phần, thay vì phát hành tăng vốn lớn với tỷ lệ 1:1 sẽ làm cổ phiếu SHS bị pha loãng rất mạnh. 

Ông Đỗ Quang Vinh – Chủ tịch Chứng khoán SHS trả lời chất vấn của cổ đông

Ông Đỗ Quang Vinh – Chủ tịch SHS thừa nhận “SHS có mối quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng của SHS và hiện đang có hạn mức vay ở ngân hàng lớn. Chúng tôi có sức mạnh tài chính và đang tận dụng nguồn lực sẵn có, tối ưu nhất nguồn vốn đang có, nên chưa sử dụng nhiều vốn vay. Với gợi ý của cổ đông chúng tôi sẽ có phương án sử dụng vốn hiệu quả nhất”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Đỗ Quang Vinh, việc phát hành vốn lớn lần này là nhằm củng cố nền tảng tài chính và sẵn sàng chuẩn bị cho chiến lược phát triển không chỉ năm 2024-2025 mà còn dài hạn hơn, hướng tới năm 2030 trở thành một tập đoàn tài chính đầu tư.

“Mặc dù SHS đã có những thành tựu và phát triển nhanh, nhưng lại chưa tận dụng được sức mạnh, nguồn lực từ các công ty thành viên liên kết trong hệ sinh thái (ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư…). Đó là thế mạnh, lợi thế của SHS vượt trội hơn hẳn các công ty chứng khoán khác. Với nền tảng tài chính mạnh, Ban lãnh đạo kỳ vọng có thể gia tăng hiệu quả và hiệu suất hoạt động cho SHS”, vị chủ tịch SHS chia sẻ.

Ông Đỗ Quang Vinh cũng khẳng định: “Với kế hoạch tăng vốn này, dù là rất lớn, nhưng chúng tôi đánh giá có tính khả thi và chắc chắn sẽ diễn ra tốt đẹp và thành công”.

Cùng với tăng quy mô vốn, SHS sẽ phát triển thêm sản phẩm phái sinh, hướng tới công ty chứng khoán đa năng, đa dạng sản phẩm, với mục tiêu trở lại Top10 thị phần môi giới chứng khoán lớn nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, cổ đông cũng hỏi về các tài sản tài chính FVTPL là 5.333 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản 12.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay lớn với 4.429 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng (riêng cho vay margin đạt 4.175 tỷ đồng).

Danh mục tài sản tài chính FVTPL của SHS bao gồm hơn 2.900 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết (tạm lãi hơn 400 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SHS cho biết, sau khi tăng vốn điều lệ, Ban điều hành định hướng hoạt động như một quỹ đầu tư. SHS thiên về hoạt động đầu tư thực chất, lựa chọn theo hình thức Top Down (phân tích tình hình kinh tế, nhóm ngành, mã cổ phiếu…).

Trong quý 1, lợi nhuận trước thuế đạt 444 tỷ đồng chủ yếu nhờ 3 tháng đầu năm thị trường diễn biến thuận lợi, danh mục cổ phiếu của SHS tăng tích cực…

“SHS đầu tư nhiều cho các cổ phiếu như FPT, MWG, VTP… trong đó lợi nhuận từ VTP là đáng kể với quan điểm đầu tư với tầm nhìn tính bằng năm, dài hạn. Kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm, danh mục cổ phiếu của SHS đã đem lại lợi nhuận nhiều hơn, giúp đạt mục tiêu kế hoạch đề ra”, ông Thành nói.

Theo Thu Hằng/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn