QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán Mỹ ngày 1/4: Kéo dài đà sụt giảm

Thị trường chứng khoán Mỹ kéo dài đà sụt giảm sang phiên giao dịch đầu tháng Tư khi nhà đầu tư lo ngại đại dịch COVID-19 sẽ còn nghiêm trọng hơn và khiến cho hoạt động kinh tế phải đình trệ lâu hơn dự tính trước đây.

Hình minh hoạ

Theo thông kê từ vietstock, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (01/04), chỉ số Dow Jones rớt 973,65 điểm (tương đương 4,4%) xuống 20.943,51 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng sụt 4,4% lần lượt xuống 2.470,50 điểm và 7.360,58 điểm. Đà giảm điểm của chứng khoán mở rộng trong vài phút trước khi khép phiên giao dịch, mặc dù các chỉ số chính đã xoay sở để rút khỏi mức đáy trong phiên.

Các lĩnh vực tiện ích, bất động sản và tài chính gây sức ép lên S&P 500, trong khi cổ phiếu Boeing và American Express là những cổ phiếu có thành quả tồi tệ nhất thuộc Dow Jones, lần lượt sụt 12% và 9%.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết vào ngày thứ Tư rằng ông sẽ đóng cửa tất cả các sân chơi ở thành phố New York, và cho biết Chính quyền dự báo tỷ lệ tử vong sẽ cao cho đến tháng 7/2020. Ông Cuomo cũng cho hay số ca nhiễm COVID-19 ở bang New York hiện có tổng cộng hơn 83.000 ca.

Những nhận định của ông Cuomo được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm thứ Ba (31/03) rằng nước Mỹ nên chuẩn bị cho “2 tuần rất, rất đau đớn”. Các quan chức Nhà Trắng dự đoán khoảng 100.000 người đến 240.000 người tử vong vì COVID-19 ở Mỹ.

Sự bùng phát dịch COVID-19, vốn đã khiến thị trường toàn cầu lao dốc trong quý đầu tiên, tiếp tục đóng vai trò là rào cản đối với thị trường khi nhà đầu tư đấu tranh với sự không chắc chắn đang diễn ra xung quanh việc nền kinh tế sẽ bị đóng cửa trong bao lâu.

Hôm thứ Ba (31/03), Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận quý đầu năm có thành quả tồi tệ nhất từ trước đến nay, lần lượt lao dốc 23,2% và 20%. Dow Jones cũng đánh dấu quý giảm mạnh nhất kể từ năm 1987, còn S&P 500 có quý giảm mạnh nhất từ năm 2008.

Trong bối cảnh thị trường lao dốc, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói kích thích khổng lồ trị giá 2 ngàn tỷ USD trong một nỗ lực ngăn chặn sự suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Đã có những lời kêu gọi có nhiều gói kích thích hơn nữa.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực Boston, Eric Rosengren, cho biết trong ngày thứ Tư rằng Quốc hội Mỹ có thể sẽ phải cung cấp nhiều gói kích thích hơn để giúp đỡ những tầng lớp thấp của chuỗi kinh tế và thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ.

“Thất nghiệp có khả năng sẽ tăng lên đáng kể trong vài tháng tới và thiệt hại kinh tế sẽ không dịu bớt cho đến khi dịch COVID-19 được kiểm soát”, ông Rosengren nói.

Trước đó, trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3/2020, chứng khoán Mỹ cũng đã sụt giảm khá mạnh khiến Dow Jones trải qua quí tồi tệ nhất kể từ năm 1987. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 410 điểm, tương đương 1,8%, xuống còn 21.917 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,6% xuống còn 2.585 điểm còn Nasdaq Composite cũng mất gần 1%. Trong phiên, có lúc Dow Jones tăng hơn 150 điểm nhưng không duy trì được sự tích cực này.

Tính chung cả quí I vừa qua, Dow Jones mất 23,2% còn S&P 500 sụt 20%. Đây là quí tệ hại nhất của Dow Jones kể từ năm 1987 và của S&P 500 kể từ năm 2008. Nếu chỉ so sánh quí I của các năm, đây là quí I lao dốc mạnh nhất trong lịch sử của cả Dow Jones và S&P 500.

Theo Nguyễn Thanh/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-my-ngay-14-keo-dai-da-sut-giam-63396.html