QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

CIEM: Cần tăng thuế đối với thuốc lá và các mặt hàng thay thế theo một lộ trình phù hợp

Theo Khảo sát của Bộ Y Tế, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao thứ 15 trên thế giới với mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nằm ở mức đáng báo động. Thống kê cho thấy 40 ngàn người tử vong hàng năm vì các bệnh liên quan, dự báo năm 2030 sẽ tăng lên 70 ngàn người / năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

Thực trạng tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam

Đối tượng sử dụng thuốc lá đang có xu hướng trẻ hóa với sự xâm nhập của rất nhiều các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha… và đều là những đối tượng hiện chưa phải thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong khi đó, việc tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá ngày một dễ dàng hơn do chưa có quy định về việc cấp phép quản lý điểm bán hàng, thuốc lá thế hệ mới có thể dễ dàng mua được trên các nền tảng mạng xã hội. Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), điều tra sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh thành của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2020 cho biết tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015.

Từ giai đoạn trước Đổi mới cho năm 2022, có rất nhiều đề xuất sửa đổi các luật thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt được khuyến nghị là biện pháp hiệu quả, vừa tăng thu ngân sách nhà nước, vừa hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Xu hướng chung của các chính sách được đưa ra là tăng thuế và thống nhất các dòng thuế, đơn giản hóa khâu quản lý, giảm bớt phân biệt với các mặt hàng sản phẩm thuốc lá khác nhau, ưu tiên quản lý minh bạch hơn là tối đa hóa nguồn thu từ mặt hàng thuốc lá.

Tuy nhiên, ông Dương lưu ý: “Tuy thuế tiêu thụ đặc biệt cho thuốc lá được điều chỉnh tăng hai lần trong giai đoạn 2006-2016, song tác động đối với việc giảm tiêu dùng thuốc lá chưa đáng kể.”

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Dương để ngỏ kịch bản việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế khác quá cao lên mặt hàng thuốc lá có thể khiến mặt hàng thuốc lá nhập lậu xuất hiện tràn lan, gây áp lực lên Cơ quan quản lý thị trường Việt Nam với công tác chống buôn lậu.

Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Bà Lê Mai Anh, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất đối với nhóm đối tượng người trẻ hút thuốc lá. Theo WHO, khi giá bán thuốc lá tăng 10%, tỷ lệ người trẻ hút thuốc lá giảm 10%.

Vương quốc Anh đã áp dụng thuế lũy tiến, điều chỉnh bằng hoặc cao hơn tỷ lệ lạm phát (trung bình là 5%/năm). Dù vậy, kinh nghiệm của Vương quốc Anh cho thấy tăng thuế nhanh đột ngột và không có lộ trình dài hạn có thể kéo theo nhiều hệ quả tiêu cực như gây ra thị trường tiêu thụ thuốc lá bất hợp pháp và thuốc lá giả lớn (khoảng 20%); thất thu thuế ước tính 2,3-2,5 tỷ bảng Anh trong giai đoạn 2016 – 2017; tỷ lệ việc làm trong ngành bán lẻ giảm nghiêm trọng.

Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cá cao nhất (44% nam giới và 27,7% người trưởng thành hút thuốc năm 2012) song thuế thuốc lá thấp nhất trong khối OECD. Đất nước này đã tiến hành hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc dựa vào đơn vị tiêu thụ, xây dựng thuế tự đồng điều chỉnh theo lạm pháp, dự đoán tốt hơn doanh thu từ thuế, tăng thuế thuốc lá với các mặt hàng thuốc lá điện tử, tăng cường các cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh. Kết quả là, tỷ lệ người hút thuốc lá giảm mạnh, đặc biệt ở nhóm người trẻ (9,2% năm 2014 xuống 6,3% năm 2016). Thu Ngân sách nhà nước từ thuốc lá tăng 23,8% (khoảng 1,3 tỷ won) trong năm 2016 ngay sau khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá năm 2015. Bà Mai Anh nhận xét: “Kinh nghiệm Hàn Quốc chính là minh chứng nguồn thu từ thuế thuốc là ổn định và có thể dự đoán.”

Bà Lê Mai Anh, Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết tăng thuế áp cho thuốc lá theo một lộ trình nhất định, sẽ hạn chế các tác động tiêu cực mà vẫn đạt được hiệu quả chính sách.

Trong khi đó, Philippines được xem là điểm sáng ở Châu Á trong việc sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG), nhờ những biện pháp thu thuế, phân bổ thuế cho phát triển xã hội (20% doanh thu thuế tiêu thụ đặc biệt từ rượu và vaping – thuốc lá điện tử), hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá chuyển đổi cây trồng (5% doanh thu thuế thu nhập đặc biệt từ thuốc lá) cũng như tài trợ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (50% số thuế tiêu thụ đặc biệt từ sản phẩm thuốc lá và đồ uống có đường, 80% số thuế tiêu thụ đặc biệt từ rượu và vaping).

Đối với những lời khuyến nghị chính sách liên quan đến việc điều chỉnh thuế thu nhập đặc biệt trên mặt hàng thuốc lá, bà Mai Anh cho hay, cần triển khai táp dụng thuế hỗn hợp, tăng thuế áp cho thuốc lá theo một lộ trình nhất định, sẽ hạn chế các tác động tiêu cực mà vẫn đạt được hiệu quả chính sách.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng thuế với các mặt hàng thay thế cho thuốc lá để tránh trường hợp người dùng chuyển sang sử dụng những sản phẩm gây nghiện thay thế. Tăng diện tích hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao thuốc, giảm khả năng tiếp cận thuốc lá với người dân (thông qua quảng cáo hay tại các cửa hàng tạp hóa, tiện lợi)… cũng nên được cân nhắc áp dụng khi hoạch định những chính sách liên quan. Đặc biệt, cần hạn chế sự tham gia của ngành công nghiệp thuốc lá vào quá trình hoạch định chính sách, điều mà Philipippines đã thực hiện và chứng minh sự hiệu quả./.

Theo Ngày Nay