BSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 2024 là 46.800 đồng/cổ phiếu (tăng 18% so với giá đóng cửa ngày 15/6/2023), nhằm phản ánh năng lực hoạt động của DGW (kì vọng CAGR lợi nhuận giai đoạn 2020-2024 = 19%), sau giai đoạn nhu cầu đột biến.
- >> Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB tiếp tục lập đỉnh mới, thanh khoản giảm nhẹ
- >> Cổ phiếu PVD “lên đỉnh” 14 tháng nhờ tin vui đại dự án Lô B – Ô Môn
- >> Chiến lược gia VCBS nhận định về xu hướng cổ phiếu chứng khoán sau làn sóng tăng vốn
DGW: BSC duy trì khuyến nghị mua, giá mục tiêu 2024 là 46.800 đồng/cổ phiếu
Quý I/2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của Công ty Cổ phần Thế giới số (Digiworld, HoSE: DGW) chênh lệch giảm 11% và 5% so với ước tính của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), chủ yếu do biên lợi nhuận hoạt động quý I/2023 cao hơn 40 BPS so với ước tính BSC.
Về nguyên nhân, BSC cho hay biên lợi nhuận của DGW cao hơn ước tính của công ty chứng khoán này 60 BPS do doanh thu mảng ICT (có biên lợi nhuận gộp thấp) giảm nhiều hơn kì vọng.
Cùng với đó, việc trích phân bổ lợi thế thương mại (hợp nhất Archison) làm tăng tỷ lệ SG&A/doanh thu thuần cao hơn 18BPS so với mức BSC ước tính.
BSC duy trì kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế-LICĐTS năm 2023 của DGW so với báo cáo ngành gần nhất lần lượt đạt là 18.118 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ) và 424 tỷ đồng (giảm 38% so với cùng kỳ), EPS FW 2023 = 2.596 đồng/cổ phiếu, PE FW= 15,2 lần.
Năm 2024, BSC kì vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế-LICĐTS của DGW lần lượt đạt 20.281 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và 535 tỷ đồng (tăng 26%), EPS FW 2024 đạt 3.278 đồng, PE FW 2024 bằng 12,1 lần.
Theo BSC, kết quả kinh doanh năm 2024 của DGW kì vọng phục hồi trên nền thấp của năm 2023 (tăng 26% so với cùng kỳ): nhu cầu phục hồi và tăng tỷ trọng đóng góp của các mảng có biên lợi nhuận cao hơn như hàng gia dụng, hàng tiêu dùng,…
Tiềm năng tăng trưởng dài hạn sẽ nhờ chiến lược M&A, giúp DGW mở rộng quy mô ngành hàng và kênh phân phối.
Theo đó, BSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 2024 là 46.800 đồng/cổ phiếu (tăng 18% so với giá đóng cửa ngày 15/6/2023), nhằm phản ánh năng lực hoạt động của DGW (kì vọng CAGR lợi nhuận giai đoạn 2020-2024 = 19%), sau giai đoạn nhu cầu đột biến.
MBB: KBSV khuyến nghị mua, giá mục tiêu cho năm 2023 là 27.900 đồng/cổ phiếu
Quý I/2023, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) đạt 11.930 tỷ đồng (tăng 2,6% so với cùng kỳ). Trong đó thu nhập lãi thuần ghi nhận tăng trưởng 22% so với cùng kỳ, thu nhập ngoài lại giảm mạnh 47,6% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng và chi phí hoạt động được kiểm soát trong quý I, lần lượt giảm 0,8% so với cùng kỳ và giảm 13% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, đạt 6.512 tỷ đồng giúp MBB đứng thứ 3 về lợi nhuận chỉ sau VCB và BIDV.
Tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý I/2023 tăng 75bps so với cuối năm 2022 lên 1,76%. Trong số các nhóm nợ xấu, dư nợ nhóm 2 và 3 tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2022; nợ nhóm 5 cũng tăng 47% so với quý trước.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), MBB vẫn là ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng cao so với các ngân hàng khác do có lợi thế về nguồn vốn huy động dồi dào, việc tham gia tái cấu trúc TCTD yếu kém sẽ giúp MBB được NHNN cấp hạn mức tín dụng cao hơn mức trung bình.
Tỷ lệ CASA giảm 5,1% trong quý I phản ánh ảnh hưởng của môi trường lãi suất cao. Dù vậy, công ty chứng khoán này đánh giá đây chỉ là yếu tố ngắn hạn, với chính sách điều hành của NHNN giảm lãi suất huy động trong thời gian vừa qua, MBB được kỳ vọng sẽ cải thiện tỷ lệ CASA trong các quý tới và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu ngành.
Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2023 của cổ phiếu MBB là 27.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 42% so với giá tại ngày 15/06/2023. KBSV cũng khuyến nghị mua với cổ phiếu MBB.
PLX: SSI duy trì khuyến nghị trung lập, giá mục tiêu 1 năm là 39.600 đồng/cổ phiếu
Quý I/2023, sản lượng tiêu thụ bán lẻ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh do nhờ giành thêm thị phần, trong khi doanh thu từ kênh DODO giảm tốc.
Quý này, lợi nhuận trước thuế mảng xăng dầu của PLX đạt 402 tỷ đồng, tăng 456% so với cùng kỳ so với mức nền thấp trong năm 2022 (thời điểm PLX phải tăng tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào với giá giao ngay cao hơn khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động).
Sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 2,5% so với cùng kỳ đạt 2,57 triệu m3 trong quý I/2023, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 24% so với cùng kỳ trong năm 2022. Kết quả này chủ yếu là do doanh thu tại các trạm xăng DODO trở về mức bình thường từ mức nền cao trong năm 2022, thời điểm nhiều cửa hàng bán lẻ chuyển sang nhập hàng từ các đầu mối lớn trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn
Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ qua kênh bán lẻ của PLX vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh là 22% so với cùng kỳ, đạt 1,77 triệu m3 trong quý I/2023 và tiếp tục tăng khoảng 15% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu quý II/2023.
Theo Công ty chứng khoán SSI, điều này có thể là do các cửa hàng xăng dầu nhỏ đã đóng cửa sau khi mất khả năng cạnh tranh trong năm 2022, điều này tạo cơ hội cho những doanh nghiệp hàng đầu củng cố và tiến hành M&A để mở rộng thị phần.
PLX đã mở khoảng 20 trạm xăng dầu mới trong 4 tháng đầu năm 2023, chủ yếu vào tháng 4 và thông qua hoạt động M&A, giúp tiết kiệm thời gian triển khai hơn so với việc xây dựng cửa hàng mới.
Mặt khác, lợi nhuận sau thuế của các mảng khác giảm 12,4% so với cùng kỳ đạt 437 tỷ đồng, chủ yếu do lợi nhuận trước thuế mảng hóa dầu giảm 44% đạt 121 tỷ đồng (giảm 6% so với quý trước), từ mức nền cao trong quý I/2022 khi nhu cầu bị dồn nén.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, theo tài liệu ĐHCĐ 2023, PLX đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 thận trọng giảm 38% so với cùng kỳ đạt 190 nghìn tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ xăng dầu của công ty mẹ (chủ yếu là sản lượng tiêu thụ trong nước) dự kiến giảm 7% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 42% so với mức nền thấp trong năm 2022 lên mức 3,2 nghìn tỷ đồng. Do đó, cổ tức dự kiến sẽ tăng từ 7% trong năm 2022 lên ít nhất 10% trong năm 2023.
Trong phân tích trước đó, SSI cho hay PLX đã thoái thành công 40% cổ phần tại PGB, tương đương 120 triệu cổ phiếu PGB vào đầu tháng 4 với giá bình quân là 21.400 đồng/cổ phiếu. PLX đã thu được 2,6 nghìn tỷ đồng trong cùng tháng và có khả năng sẽ ghi nhận lợi nhuận tài chính khoảng 730 tỷ đồng trong quý II/2023.
Công ty chứng khoán này duy trì dự báo sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2023 ở mức 10,9 triệu m3 (tăng 4% so với cùng kỳ), theo đó sản lượng bán lẻ dự kiến tăng 12% so với cùng kỳ đạt 7,3 triệu m3. Tổng doanh thu dự báo đạt 282 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ do giá xăng dầu bình quân giảm 14% so với cùng kỳ.
SSI cũng dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 của PLX tăng 98% so với cùng kỳ đạt 4,5 nghìn tỷ đồng và được hỗ trợ bởi: tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện nhờ chuỗi cung ứng ổn định và lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn tại PGB. Nếu loại trừ thu nhập bất thường từ việc thoái vốn, thu nhập cốt lõi của công ty trong năm 2023 sẽ tăng 66% so với cùng kỳ.
SSI cũng duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 1 năm là 39.600 đồng/cổ phiếu. SSI kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của công ty sẽ tiếp diễn trong 2 quý tới từ mức nền thấp trong năm 2022 và được hỗ trợ bởi lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn tại PGB.
Tuy nhiên, SSI cũng cho rằng giá cổ phiếu phần lớn đã phản ánh các yếu tố tích cực này, vì vậy nhà đầu tư nên chờ đợi cơ hội khi thị trường rung lắc để tích lũy cổ phiếu ở mức giá thấp hơn.
Theo Minh Tuệ/Vietnam Finance
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/co-phieu-khuyen-nghi-hom-nay-196-dgw-mbb-va-plx-20180504224285617.htm