QC 1
Chủ nhật, ngày 16/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu nào “sáng” nhất trong nhóm ngân hàng trong tháng qua?

Thán qua, tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, 23/27 mã đi xuống, còn lại 4 mã đi lên là SSB của SeABank, BID của BIDV, EIB của Eximbank và STB của Sacombank.

Cổ phiếu nào “sáng” nhất trong nhóm ngân hàng trong tháng qua?

Trong một tháng tính đến hết phiên 11/7, VN-Index và HNX-Index cùng mất khoảng 10%, UPCoM-Index khả quan hơn khi chỉ mất 8%. Toàn thị trường có 1.117 mã cổ phiếu giảm giá so với một tháng trước trong khi chỉ có 278 mã lên giá.

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, 23/27 mã đi xuống, còn lại 4 mã đi lên là SSB của SeABank, BID của BIDV, EIB của Eximbank và STB của Sacombank.

SeABank vừa cho biết bà Lê Thu Thủy thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của nhà băng này kể từ ngày 11/7/2022 nhưng vẫn tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Hiện chưa rõ ai sẽ giữ chức Tổng Giám đốc của SeABank.

Bà Lê Thu Thủy là con gái của bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank. Hôm 5/7 vừa qua, bà Nga đăng ký mua 2,8 triệu cổ phiếu SSB trong thời gian 11/7 đến 8/8. Nếu giao dịch thành công, bà Nga sẽ nâng sở hữu lên 68,1 triệu đơn vị, ứng với 3,439% tổng số cổ phần đang lưu hành của SeABank.

Tính theo thị giá của SSB hiện nay là 31.700 đồng/cp, bà Nga sẽ cần chi gần 90 tỷ đồng để hoàn tất mua vào. Con gái bà Nga – cựu Tổng Giám đốc Lê Thu Thủy – cũng đang sở hữu 47,55 triệu cổ phiếu SSB, tương đương tỷ lệ 2,4%.

SeABank vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.806 tỷ đồng, tăng trưởng 180% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán SSI cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát.

Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Nhìn chung, SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ ở mức 15% -16%.

Các chỉ số phản ánh chất lượng tín dụng có thể được giữ ổn định vào năm 2022 nhưng sẽ chịu áp lực lớn hơn vào năm 2023.

SSI cho rằng rủi ro từ các khoản nợ tái cơ cấu COVID-19 không quá đang lo ngại đối với các ngân hàng lớn. Tính đến cuối tháng 4 năm nay, dư nợ tái cơ cấu COVID đã giảm 24% so với đầu năm và bằng khoảng 1,8% tổng dư nợ cho vay.

Một số ngân hàng đã giảm mạnh dư nợ tái cơ cấu (ví dụ như VCB giảm 62%, BID giảm 31% so với đầu năm). Các ngân hàng lớn (VCB, BID, ACB, MBB và TCB) cũng đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu COVID.

Rủi ro lớn hơn có thể đến từ các khoản vay liên quan đến lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc cho vay kinh doanh bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này đã gây ra sự gián đoạn về vòng quay vốn cũng như thanh khoản và làm tăng chi phí tài chính cho các chủ đầu tư bất động sản. Rủi ro này sẽ dần được phản ánh trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng từ năm 2023.

Theo Nguyên Nam/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-nao-sang-nhat-trong-nhom-ngan-hang-trong-thang-qua-139792.html