QC 1
Chủ nhật, ngày 05/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Công bố số liệu sai lệch, Kinh Bắc giảm doanh thu gần 250 tỷ đồng

Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã: KBC) vừa phải điều chỉnh nhiều chỉ tiêu tài chính quý 4/2023 vì “sơ suất”. Theo đó, doanh thu bị giảm gần 250 tỷ đồng xuống 846 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm còn 131 tỷ đồng.

Tổng công ty Kinh Bắc vừa đính chính thông tin trong báo cáo tài chính quý 4/2023 ghi nhận sai lệch số liệu lớn ở nhiều chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, chi phí…

Công ty này giải thích là do sơ suất dẫn đến báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 bị lỗi tại trang số 5 và số 6 liên quan đến cột báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2023 gây ra chênh lệnh. 

Công bố số liệu sai lệch, Kinh Bắc (KBC) phải điều chỉnh giảm doanh thu gần 250 tỷ đồng 

Cụ thể, Kinh Bắc điều chỉnh giảm doanh thu thuần xuống còn 846 tỷ đồng, so với số ban đầu được công bố xấp xỉ 1.094 tỷ đồng, tức giảm gần 250 tỷ đồng.

Giá vốn bán hàng điều chỉnh giảm từ 606 tỷ đồng xuống 470 tỷ đồng, còn lợi nhuận gộp giảm từ 487 tỷ đồng xuống 376 tỷ đồng.

Công ty cũng điều chỉnh giảm từ 15-40% đối với các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.

Do đó, lợi nhuận trước thuế quý 4/2023 bị giảm đáng kể, từ mức 260 tỷ đồng xuống còn 213 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm từ 150 tỷ đồng còn 131 tỷ đồng.

Kết quả này đã cải thiện đáng kể nếu so với số lỗ 558 tỷ đồng của cùng kỳ quý 4/2022.

Theo giải trình của Kinh Bắc, lợi nhuận hợp nhất quý 4/2023 tăng 690,2 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu nhờ trong kỳ này tăng doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp.

Dù vậy, trên báo cáo tài chính riêng, công ty vẫn ghi nhận lỗ 254 tỷ đồng trong giai đoạn cuối năm do chưa ghi nhận bàn giao đất khu công nghiệp cho khách hàng và cùng kỳ năm trước công ty được chia cổ tức từ các công ty con.

Ngoài sai sót về kết quả kinh doanh quý 4, Kinh Bắc cho biết, các số liệu khác trên bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, kết quả kinh doanh hợp nhất cả năm 2024 không thay đổi.

Luỹ kế cả năm 2023, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần 5.644 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, mảng cho thuê đất và cơ sở hạ tầng đóng góp lớn nhất là 5.247 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 93% tổng doanh thu. Hoạt động cung cấp nước sạch, điện, phí dịch vụ, xử lý nước thải mang về cho công ty 387 tỷ đồng doanh thu.

Ngoài ra, mảng cho thuê kho, nhà xưởng và văn phòng đem về145 tỷ đồng và doanh thu chuyển nhượng bất động sản gần 105 tỷ đồng.

Công ty ghi nhận lợi nhuận gộp cả năm qua đạt 3.686 tỷ đồng, tăng đến 14 lần so với cùng kỳ.

Kinh Bắc trong năm qua đã tiết giảm chi phí tài chính giảm hơn 24%, ngược lại tăng mạnh chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Do không còn khoản lãi bất thường hàng nghìn tỷ như năm trước đó nên lợi nhuận sau thuế chỉ còn lại 2.218 tỷ đồng, tăng gần 41% so với năm trước.

Trong năm 2023, Kinh Bắc đặt mục tiêu 9.000 tỷ doanh thu và 4.000 tỷ lợi nhuận sau thuế. Như vậy, kết thúc năm công ty chỉ thực hiện được 65,4% chỉ tiêu doanh thu và 55,4% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản hợp nhất của Kinh Bắc giảm mạnh hơn 1.500 tỷ đồng xuống còn 33.420 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn tương đương 25.291 tỷ đồng, mà chủ yếu nằm ở hàng tồn kho.

Hiện nay, Kinh Bắc đang phát triển 7 dự án khu công nghiệp và 3 dự án nhà ở tại nhiều địa phương. Giá trị hàng tồn kho được ghi nhận tại các dự án lớn như KCN và đô thị Tràng Cát 8.171 tỷ đồng, khu đô thị Phúc Ninh là 1.113 tỷ đồng, dự án KCN và dân cư Tân Phú 928 tỷ đồng…

Báo cáo cho thấy, tổng nợ phải trả của Kinh Bắc đã giảm đáng kể từ mức 17.060 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 13.226 tỷ đồng trong năm 2023. Đáng chú ý, Kinh Bắc đã xử lý toàn bộ trái phiếu hơn 974 tỷ đồng giúp giảm bớt áp lực tài chính.  

Đến cuối năm 2023, công ty vẫn đang chịu áp lực trả khối nợ vay lên tới 3.659 tỷ đồng, mà chủ yếu hơn 90% là nợ vay dài hạn.

Riêng nợ vay dài hạn ngân hàng tính đến cuối năm còn hơn 3.322 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) đang là chủ nợ lớn nhất của Kinh Bắc với khoản cho vay 2.194 tỷ đồng, lãi suất 13% mỗi năm. Công ty đã thế chấp toàn bộ tài sản dự án Tràng Cát, khu đất khu đô thị Tràng Duệ cho PVComBank để đảm bảo cho khoản vay này.

Ngân hàng BIDV – chi nhánh Bắc Ninh đã cho Kinh Bắc vay 534 tỷ đồng với lãi suất 11-11,5%/năm.

Ngoài ra, các ngân hàng lớn khác cho công ty vay số tiền lớn, như TPBank (39,75 tỷ đồng), Vietinbank (545 tỷ đồng)…

Đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Kinh Bắc tiếp tục tăng lên mức 20.194 tỷ đồng. Trong đó, công ty còn 7.719 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ