QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cuộc đua lợi nhuận ngân hàng top đầu: Chiếm đích tỷ USD

Trước thềm đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2024, nhiều ngân hàng đã tiết lộ kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Lợi nhuận ngành ngân hàng nói chung được nhận định vẫn tăng trưởng khả quan dù đối mặt với nhiều thách thức.

Ảnh minh hoạ

Tốp đầu chạy đua tỷ USD

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với 2023. Các chỉ tiêu khác như tổng tài sản tăng 20%, đạt 492.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 20%, đạt 320.600 tỷ đồng; huy động vốn dự kiến tăng trưởng 21%, lên mức 315.200 tỷ đồng.

ACB cũng đề ra kế hoạch lợi nhuận đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước; tổng tài sản đến cuối năm 2024 tăng 12%; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11%, đạt 593.779 tỷ đồng; tăng trưởng cho vay khách hàng là 14%, đạt 555.866 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc Vietcombank, tiết lộ mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng ít nhất 10%. Với việc lợi nhuận hợp nhất của Vietcombank đạt 41.244 tỷ vào năm 2023, có thể ước tính ngân hàng này phải thu về gần 45.400 tỷ đồng. Vietcombank cũng đề ra những chỉ số khác như tổng tài sản tăng ít nhất 8%, tăng trưởng tín dụng tối thiểu 12%, nợ xấu dưới 1,5%.

Tại hội nghị nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh năm 2023 mới đây, HDBank công bố mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021 – 2025, trong đó lợi nhuận năm 2025 dự kiến đạt trên 20.000 tỷ đồng. Riêng năm 2024, ngân hàng này kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trên 20%.

Với MB, năm qua lợi nhuận đạt hơn 1 tỷ USD, cao thứ ba toàn ngành. Năm 2024, MB kỳ vọng lợi nhuận đạt hơn 28.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước; tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức 16% được giao với số lượng khách hàng là 30 triệu.

Đáng chú ý, sau 2 năm chạy đà, Eximbank đã đặt ra mục tiêu lợi nhuận rất tham vọng. Năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, tăng 90,5% so với kết quả thực hiện năm 2023. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng. Eximbank cũng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.

“Tân binh” trên sàn HoSE là Nam A Bank đặt mốc lợi nhuận 4.000 tỷ đồng trong 2024, tương ứng tăng hơn 20%/năm. Kết thúc năm 2023, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.304 tỷ đồng. Trong khi đó, dù chưa có con số cụ thể song Vietinbank đã đưa ra một số chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm nay như tổng tài sản tăng từ 5 – 10%; tín dụng tăng khoảng hơn 14%; tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 1,8%.

BIDV cũng chỉ mới đưa ra một số chỉ tiêu chính trong năm 2024 như dư nợ tín dụng tăng 14%; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,4%. Còn trong cuộc họp với các giới phân tích mới đây, MSB cho biết mục tiêu tổng tài sản năm 2024 đạt 306.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cuối 2023; dư nợ tín dụng ở mức 178.200 tỷ đồng, tăng 18%.

SSI dự phóng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2024 có thể đạt khoảng 47.200 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 14,3%. Còn lợi nhuận của BIDV có thể đạt 31.300 tỷ đồng, MB đạt 29.200 tỷ đồng, VietinBank 27.800 tỷ đồng, Techcombank 26.000 tỷ đồng, ACB 22.800 tỷ đồng và VPBank là 16.700 tỷ đồng.

Phân hoá mạnh

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng bức tranh ngành ngân hàng năm 2024 được nhận định có nhiều điểm sáng nhờ vào sự khởi sắc của nền kinh tế. Các chính sách của Chính phủ đủ thẩm thấu và dự báo nền kinh tế ấm dần lên, khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp được tháo gỡ…

Kết quả điều tra mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý I/2024 và cả năm 2024, nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn 1 bước. Các ngân hàng có cơ sở để đạt được mục tiêu lợi nhuận năm nay khi các dấu hiệu kinh tế hồi phục dần rõ nét, tín dụng tăng trở lại khi lãi suất giảm dần. Đặc biệt, biên lãi ròng (NIM) cũng được cải thiện khi chi phí đầu vào giảm mạnh.

Trong báo cáo triển vọng năm 2024, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đã chỉ ra loạt dấu hiệu cho thấy ngành ngân hàng sẽ khởi sắc vào năm 2024 nhờ: sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu tín dụng, rủi ro hệ thống giảm bớt, CASA đi lên, NIM tạo đáy và triển vọng lợi nhuận khả quan hơn.

Bà Phạm Liên Hà, Giám đốc nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính của HSC, nhận định môi trường hoạt động của ngành ngân hàng năm 2024 có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2023. Cụ thể, thanh khoản hệ thống dồi dào nên mặt bằng lãi suất duy trì thấp, kinh tế dần hồi phục và chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng, tỷ giá được kiểm soát phù hợp… Bà Hà kỳ vọng, tín dụng hồi phục giúp tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong năm 2024, so với mức nền thấp của năm 2023. Ước tính, tăng trưởng lợi nhuận của 14 ngân hàng đầu ngành sẽ đạt mức 20-21% trong năm nay, cao hơn mức 5,5% của năm 2023.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2024 ở mức khoảng 10%. Tuy vây, triển vọng lợi nhuận ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh. Những ngân hàng thuộc “top” đầu, lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, còn các nhà băng thuộc nhóm vừa và nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải tập trung khắc phục rủi ro nợ xấu, quản trị tài sản hoặc tạo “bộ đệm” dự phòng tốt.

Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), nợ xấu vẫn là mối lo của ngành ngân hàng, nhất là khi được dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm 2024. Do đó, dù đạt lợi nhuận cao, ngân hàng cũng phải dự phòng lớn. Thậm chí, VCBS cảnh báo, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

TS Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM, cho rằng lợi nhuận năm 2024 sẽ có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với 2023. Nhưng lợi nhuận ngân hàng sẽ phân hóa mạnh. Những ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục giữ vững phong độ, thậm chí xu hướng gia tăng lợi nhuận sẽ cao hơn so với năm trước. Còn những ngân hàng nhỏ hơn, phải tập trung khắc phục rủi ro nợ xấu cũng sẽ có sự đi lên về lợi nhuận.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2024, ngành ngân hàng được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do nguồn thu không còn đa dạng như các năm trước và phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động tín dụng. Mảng bancassurance (bảo hiểm) năm nay sẽ không thuận lợi. Lĩnh vực trái phiếu dù đã có những tiến triển tích cực nhưng có thể chỉ có một vài ngân hàng lớn có nguồn thu. Trong khi đó, tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi lãi suất huy động được đánh giá không còn dư địa giảm trong khi lãi suất cho vay giảm sẽ khiến NIM của các nhà băng, đặc biệt là nhóm nhà băng vừa và nhỏ bị thu hẹp và gặp nhiều khó khăn.

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, lợi nhuận ngân hàng 2024 sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn. Theo ước tính của SSI, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu dự kiến đạt 15,4%. Đây là mức tăng trưởng tốt hơn so với mức 4,6% trong năm 2023.

Theo Yên Nghĩa/ VietnamFinance