QC 1
Thứ 2, ngày 17/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dân chuộng quét mã QR, đến thời chợ không tiền mặt

Thay vì thanh toán bằng tiền mặt, nhiều người dân đã chọn quét mã QR và hành động này đã trở thành thói quen hàng ngày bởi những tiện ích mà chức năng này mang lại.

Không sợ quên ví, chỉ sợ điện thoại hết pin

Hơn một năm nay, chị Nguyễn Ngọc Thu (trú TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) không có thói quen giữ nhiều tiền mặt trong ví bởi các khoản thanh toán hàng ngày phần lớn đều được thực hiện qua quét mã QR trên chiếc smartphone.

“Mua ổ bánh mì trả tiền bằng quét mã QR, đi siêu thị thanh toán bằng quét mã QR, đi chợ cũng có thể quét mã QR để thanh toán. Quá thuận tiện bởi không phải lo chuyện đi rút tiền”, chị Thu nói.

Ảnh minh hoạ

Chị Huỳnh Hương Giang (trú TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cũng cho biết, một năm nay, chị không đi cây ATM rút tiền nhiều lần như trước kia tiền bởi phần lớn các giao dịch đều được thanh toán bằng cách quét mã QR. Từ việc mua sắm quần áo đến ăn sáng, uống cà phê đều được thực hiện trên chiếc điện thoại thông minh. Chị chỉ để một khoản nhỏ tiền mặt khi mua những mặt hàng có giá trị thấp như bó rau hoặc những nơi chưa có mã quét QR.

“Từ khi dùng thanh toán điện tử, tôi không phải xếp hàng ở các máy ATM chờ rút tiền, không phải lo bị mất tiền. Bây giờ ra đường chỉ lo điện thoại hết pin chứ không lo quên mang ví”, chị Giang vui vẻ nói.

Tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, thời gian qua đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và được các tiểu thương hưởng ứng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nguyệt, tiểu thương buôn bán áo quần tại chợ Tam Kỳ, cho biết trước đây, mỗi ngày ra chợ chị đều phải chuẩn bị sẵn một khoản tiền mặt và đặc biệt là tiền lẻ để dễ thối. Đôi khi thiếu tiền lẻ phải đi đổi với các cửa hàng khác và làm phiền khách hàng chờ đợi nên chị cũng rất ngại. Tuy nhiên, từ khi áp dụng thanh toán quét mã QR, chị Nguyệt không phải lo chuyện đó nữa và cũng không lo chuyện thối nhầm tiền, tiện dụng cho cả người bán và người mua.

Theo chị Nguyệt, hiện số lượng khách hàng thanh toán thông qua quét mã QR tại cửa hàng của chị ngày càng tăng nhanh, nhất là giới trẻ hầu như không thanh toán bằng tiền mặt.

Chị Huỳnh Thị Cẩm Hương, tiểu thương chợ Hội An cũng cho biết, khách vào quán chị ngày càng có nhiều người thanh toán bằng quét mã QR. Những người còn đi làm, các bạn trẻ hầu như đều thanh toán bằng quét mã QR, chỉ những người già đã nghỉ hưu ở nhà mới thanh toán bằng tiền mặt. “Thanh toán bằng quét mã QR thì người bán và người mua đều tiện. Khách hàng không cần mang theo tiền mặt, mình cũng khỏe vì tiền vào tài khoản luôn lại có tiền để chuyển khoản cho bạn hàng”, chị Hương nói.

Bà Vũ Thị Thanh Nga, Trưởng Ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho biết, từ năm 2022, chợ bắt đầu triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và được nhiều tiểu thương hưởng ứng. Tiểu thương dùng mã quét QR là những ngành hàng như: mỹ phẩm, giày dép, quần áo, bánh kẹo… Hàng rau ít dùng bởi giá trị thanh toán không lớn, tiểu thưởng chủ yếu là người lớn tuổi, không dùng điện thoại thông minh, việc quét mã không được thuận lợi. Ban Quản lý chợ Tam Kỳ cũng thường xuyên tuyên truyền để tiểu thương nắm được những lợi ích của việc quét mã QR và tham gia tích cực.

Theo bà Nga, hiện số khách hàng thanh toán bằng quét mã QR ngày càng tăng. Và khi người đi mua có nhu cầu quét mã QR thì người bán cũng phải làm theo để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tương lai không tiền mặt

Ông Hường Văn Minh, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, Sở cũng đã phối hợp Sở Thông tin truyền thông, Viettel Quảng Nam, Bưu điện Quảng Nam thực công tác thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh tại các chợ, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 160 chợ, với tổng số hộ kinh doanh qua mạng lưới chợ khoảng 23.000 hộ, bao gồm 14.000 hộ kinh doanh cố định và 9.000 hộ kinh doanh không thường xuyên. Nhìn chung, đa số các tiểu thương kinh doanh tại chợ trên địa bàn tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ yếu tại khu kinh doanh ăn uống, áo quần, tạp hoá…. Các khu kinh doanh thịt, cá, hải sản, rau… có sử dụng nhưng hạn chế do thói quen mua hàng và tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ không sử dụng tài khoản ngân hàng.

Ảnh minh hoạ

Đối với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, đa số cũng đã sử dụng mã QR để thanh toán. Việc làm này đã từng bước thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng.

Ông Phạm Trọng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Nam, cho hay thời điểm xảy ra dịch Covid-19, mọi người rất ngại giao dịch bằng tiền mặt vì sợ lây nhiễm. Tại thời điểm đó, ngành ngân hàng đã triển khai rất nhiều các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Chính việc này đã tạo ra thói quen không dùng tiền mặt trong giao dịch. Đồng thời, cùng với sự phát triển của công nghệ, việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng mở rộng và trở thành xu thế trong thời đại hiện nay.

Theo ông Trọng, những năm gần đây, cụ thể là Tết vừa qua, các cây ATM trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không còn cảnh đông nghịt người xếp hàng chờ rút tiền như những năm trước. Lượng tiền mặt mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra lưu thông thông qua ngân hàng thương mại cũng đã giảm rất nhiều, khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm trước và tương lai còn giảm nữa.

“Bây giờ các dịch vụ, cửa hàng, cơ sở kinh doanh… chỗ nào cũng có mã QR để quét. Đi ăn sáng, uống cà phê, đi chợ… đều có thể quét mã QR, rất thuận tiện”, ông Trọng nói và cho biết, trong thời gian tới, câu chuyện chuyển đổi số sẽ tiến xa hơn nữa khi thực hiện việc cho vay qua ứng dụng (app).

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Nam, trong năm 2023, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng thông qua các kênh thanh toán trực tuyến tăng trưởng cả về số lượng và giá trị so với năm 2022. Cụ thể, giao dịch thanh toán qua ATM tăng khoảng 14,83% về giá trị; giao dịch qua POS tăng khoảng 13,95% về số lượng và tăng 44,44% về giá trị; giao dịch thanh toán qua Internet Banking, QRCode, Mobile Banking và qua các kênh thanh toán không dùng tiền mặt khác tăng khoảng 51,15% về số lượng và tăng 16,85% về giá trị.

Theo Kế hoạch 7501 của UBND tỉnh Quảng Nam về “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Quảng Nam”, đến năm 2030, phấn đấu có 75% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%. Đến năm 2045 có 90% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 85%.

Theo Khánh Hồng/ VietnamFinance