QC 1
Thứ 5, ngày 27/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đánh thuế giao dịch vàng: Ưu tiên tích trữ, đánh nặng đầu cơ?

Một số chuyên gia cho rằng đánh thuế giao dịch vàng là giải pháp cần thiết giúp kiểm soát giá vàng. Song đối tượng và mức thuế cần phải được cân nhắc thận trọng cho phù hợp. Chỉ nên đánh thuế đối với nhóm mua vàng để đầu cơ, không nên đánh thuế đối với nhóm mua vàng để tích trữ.

Cần cân nhắc thận trọng với đánh thuế giao dịch vàng

Giá vàng tăng liên tiếp trong khi lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp đã khiến nhiều người dân chuyển sang nắm giữ vàng. Thị trường vàng đã trải qua nhiều đợt tăng giá mạnh, giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với thế giới. “Cơn sốt vàng” đã tạo nên một số bất ổn đối với thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Hiện người mua rồi bán vàng không chịu thuế. Nếu coi vàng là hàng hóa và kênh đầu tư thì vàng có lợi thế hơn hẳn các kênh đầu tư khác. Đầu tư bất động sản khi bán nhà, căn hộ phải nộp thuế. Đầu tư chứng khoán khi bán cổ phiếu cũng phải nộp thuế. Nhưng đầu tư vàng thì không.

Để bình ổn thị trường vàng, nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị nên đánh thuế giao dịch vàng để giảm bớt sức cầu của người dân mua vàng găm giữ, trong đó có lực lượng mua với mục đích đầu cơ tích trữ để “thổi” giá vàng.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh người dân đi mua vàng để đầu cơ và tích trữ, đến một lúc nào đó, Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế như một công cụ để không chỉ thu nhập mà còn là điều tiết hành vi của người tiêu dùng.

GS-TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với giao dịch vàng.

Theo bà Mùi, việc áp dụng các chính sách thuế với thị trường vàng sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những người mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Giải pháp này cũng có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, để quản lý thị trường vàng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế. Nếu Nhà nước không khuyến khích thì đánh thuế cao, ngược lại thì giảm thuế. Chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, đánh thuế giao dịch vàng là một trong những giải pháp cần thiết giúp kiểm soát giá vàng. Giải pháp này không chỉ tạo điều kiện cho ngân sách Nhà nước có thêm nguồn thu mà còn là sự công bằng giữa các kênh đầu tư vàng – chứng khoán – bất động sản, là phương sách để chống “vàng hóa” nền kinh tế.

Nhưng thời điểm và mức thuế cần phải được cân nhắc thận trọng cho phù hợp. Bên cạnh đó, việc đánh thuế với giao dịch vàng phải đúng đối tượng. Chỉ nên đánh thuế đối với nhóm mua vàng để đầu cơ, mua đi bán lại, không nên đánh thuế đối với nhóm mua vàng để tích trữ.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhìn nhận, việc đánh thuế với giao dịch vàng phải phù hợp và đúng đối tượng đầu cơ mới có hiệu quả. Nếu đánh thuế thì nên cân nhắc về việc mua bao nhiêu vàng trong thời gian bao lâu, còn nếu chỉ mua vài chỉ hoặc vài cây vàng, lúc có việc cần đem đi bán mà người mua vẫn phải chịu thuế thì quá thiệt thòi cho họ. Hơn nữa, việc đánh thuế giao dịch vàng cũng có thể sẽ khiến sự chênh lệch càng cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Theo ông Phương, nên đánh thuế với giao dịch từ 5 lượng vàng (tương đương gần 400 triệu đồng) trở lên trong thời gian 1 tháng. Mức thuế ra sao cũng phải nghiên cứu kỹ để triệt tiêu đầu cơ.

Nói về giải pháp đánh thuế với giao dịch vàng, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nếu đây là một công cụ kinh tế thì phải hướng vào nhóm đầu cơ vàng để mua đi bán lại chứ không phải là đánh thuế vào những người có nhu cầu mua vàng để tích trữ. Do vậy, Nhà nước bán ra phải sử dụng 2 hình thức, một loại thứ nhất là bán vàng dạng như các tín chỉ vàng. Các tín chỉ ấy được ngân hàng lưu trữ và như vậy chắc chắn là vàng này không phải là vàng để đầu cơ, không phải mua đi bán lại. Còn mua vàng vật chất Nhà nước bán ra để bán lại cho người khác thì hoạt động mua bán vàng vật chất đấy cần phải áp dụng một mức thuế.

Ngành thuế muốn đánh thu thuế mua bán vàng

Chiều 18/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính, nhiều câu hỏi đã được gửi đến lãnh đạo Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính liên quan đến các công cụ quản lý thị trường vàng, trong đó có công cụ thuế.

Trước câu hỏi “Vì sao giao dịch chứng khoán, bất động sản bị đánh thuế còn giao dịch vàng thì chưa, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng luôn chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Hiện các cửa hàng kinh doanh vàng đều phải chấp hành nghĩa vụ đóng thuế.

Thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng. Bên cạnh tăng cường quản lý về thuế, Bộ Tài chính đang đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng để minh bạch hoá hoạt động giao dịch vàng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc đánh thuế với giao dịch vàng không chỉ tác động trực tiếp lên các đối tượng giao dịch mà còn tác động đến nhiều vấn đề khác. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đánh giá tác động đối với đề xuất này rồi báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định áp dụng nếu thấy hợp lý.

Ngoài đáp ứng điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng đang chịu 2 loại thuế, đó là thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Là loại hàng hóa đặc biệt, thuế VAT đánh trên sản phẩm này áp dụng với phần chênh lệch giá vàng mua vào – bán ra.

Nhiều nước trên thế giới hiện áp dụng quy định đánh thuế khi mua bán vàng vật chất. Còn mua bán vàng trên các sàn giao dịch hàng hóa thì nộp thuế như giao dịch chứng khoán.

Tại Pháp khi bán vàng, chủ sở hữu sẽ nộp thuế 11% trên tổng số tiền bán hoặc nộp 36,2% trên mức lãi. Người có vàng sẽ được miễn thuế khi bán nếu nắm giữ từ 22 năm trở lên.

Hiện NHNN không khuyến khích người dân giữ vàng nhưng cũng không cấm. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chỉ rõ, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, vàng cũng là câu chuyện của quốc tế không chỉ riêng Việt Nam. Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã có nhiều giải pháp để ổn định thị trường vàng như đấu thầu vàng (từng triển khai năm 2013).

NHNN đã triển khai biện pháp can thiệp mới là từ 3/6 là bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý để các đơn vị này bán vàng cho người dân. Qua gần 3 tuần triển khai, bước đầu chênh lệch giá bán vàng miếng SJC và giá vàng thế giới đã được thu hẹp.

NHNN cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, mục tiêu là chống vàng hóa nền kinh tế, không để tác động xấu đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán…

Tuy nhiên, để thị trường vàng ổn định, về lâu dài, cùng với việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cũng cần nghiên cứu, bổ sung công cụ thuế đối với hoạt động mua bán vàng.

Theo Minh Anh/ VietnamFinance