Sau khi Công ty Chứng khoán VNDirect ghi nhận lỗi hệ thống trong hơn 1 tuần khiến cổ đông của Công ty CP Dược Danapha (UpCoM: DAN) đã bị ảnh hưởng tới hoạt động giao dịch.
Theo công bố của Công ty TNHH Danhson VN, từ ngày 5/3 đến 28/3, Công ty mua 13.834.066 cổ phiếu trong tổng đăng ký 13.925.035 cổ phiếu DAN đăng ký mua, thấp hơn 90.969 cổ phiếu đã đăng ký, nâng sở hữu từ 0%, lên 66,07% vốn điều lệ.
Lý do không mua hết cổ phiếu DAN đã đăng ký được Danhson VN đưa ra là “bên bán thoả thuận không thực hiện được giao dịch do Công ty Chứng khoán VNDirect bị lỗi hệ thống”.
Tương tự, từ ngày 21/3 đến ngày 29/3, ông Phạm Khắc Hà, em ruột bà Phạm Hương Giang – Thành viên HĐQT Dược Danapha đã không bán được cổ phiếu trong tổng số đăng ký bán toàn bộ 79.000 cổ phiếu, lý do được đưa ra “do hệ thống của Công ty Chứng khoán VNDirect bị lỗi, không thể bán thoả thuận”.
Theo tìm hiểu, trước đó, Công ty TNHH Danhson VN cho biết chưa sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào tại Dược Danapha và sẽ tiến hành “thâu tóm” qua mua thỏa thuận hơn 13,9 triệu cổ phiếu, dự kiến diễn ra trong tháng 3/2024.
Liên quan tới hệ thống giao dịch, Chứng khoán VNDirect cho biết vào sáng 24/3, toàn bộ hệ thống của công ty bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế. Điều này khiến toàn bộ nền tảng giao dịch của công ty tạm thời không truy cập được. Sau đó, từ ngày 25/3 đến ngày 29/3, hệ thống của Chứng khoán VNDirect bị gián đoạn, nhà đầu tư không thể giao dịch và bước sang ngày 1/4 mới bắt đầu khôi phục lại một số nghiệp vụ và theo thông báo mới nhất ngày 3/4, hệ thống của chứng khoán VNDirect đã trở lại hoạt động bình thường. |
Mối quan hệ giữa Danhson VN và Dược Danapha
Cũng liên quan đến giao dịch cổ phiếu, loạt thành viên HĐQT Dược Danapha đã đăng ký bán ra hơn 13,4 triệu cổ phiếu DAN. Tất cả đều dự kiến trong tháng 3/2024 theo hình thức thỏa thuận. Trong đó, ông Lê Thăng Bình, Tổng Giám đốc Dược Danapha, đồng thời là thành viên HĐQT đã ký bán 2,853 triệu cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ gần 13,63%) trong tổng số 2,903 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 13,86%). Nếu giao dịch thành công, ông Bình chỉ còn sở hữu tròn 50.000 cổ phiếu DAN (tỷ lệ 0,24%).
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Thắng và vợ là bà Phạm Hương Giang, đều là thành viên HĐQT của Danapha, cũng đăng ký bán ra toàn bộ hơn 10,63 triệu cổ phiếu DAN đang sở hữu, tương ứng 50,78% vốn điều lệ của Danapha. Trong đó, ông Thắng đăng ký bán hơn 10,266 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 49,03%) và bà Giang bán ra 366.000 cổ phiếu (tỷ lệ 1,75%).
Ở chiều ngược lại, ông Dobrev Sasho Hristov, thành viên HĐQT của Dược Danapha đã đăng ký mua 50.000 cổ phiếu DAN (tỷ lệ 0,24%) nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân. Giao dịch sẽ được thực hiện theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, từ ngày 4/3 -15/3. Ông Dobrev Sasho Hristov mới được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT của Danapha kể từ tháng 3/2023. Trước đó, ông là chuyên gia dự án tại Nhà máy dược phẩm công nghệ cao Danapha. Ông Dobrev chưa từng sở hữu cổ phiếu nào của Danapha.
Trong một diễn biến khác, trước đó, cổ đông tổ chức Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm DanhSon – đơn vị có liên quan đến ông Nguyễn Quốc Thắng cũng đóng góp và hoàn tất chuyển nhượng 11.969 cổ phiếu DAN từ cuối tháng 8/2023.
Đáng chú ý, Danhson VN và Dược Danapha có mối quan hệ mật thiết với nhau, khi ngoài vị trí tại Dược Danapha, ông Lê Thăng Bình và ông Nguyễn Quốc Thắng hiện lần lượt đảm nhiệm chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và Chủ tịch HĐTV của Danhson VN. Riêng ông Bojinov Stefan Georgiev, Chủ tịch HĐQT của Dược Danapha cũng là Ủy viên HĐTV của Danhson VN.
Ngoài ra, trụ sở chính của Danhson VN thực tế nằm chung trụ sở với Dược Danapha tại số 253 đường Dũng Sĩ Thanh Khê, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng và được thành lập ngày 20/12/2022; ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý.
Dược Danapha kinh doanh ra sao?
Quý IV/2023, Dược Danapha ghi nhận doanh thu thuần đạt 143 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 9% xuống còn gần 86 tỷ đồng.
Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính giảm lần lượt 66% và 59% so với cùng kỳ, xuống gần 1,4 tỷ đồng và hơn 8,1 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng đạt gần 24 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh 61% lên mức 24,8 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ chi phí, Dược Danapha báo lãi sau thuế giảm 84% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 1,5 tỷ đồng. Lý giải về sự sụt giảm lợi nhuận trên, Dược Danapha cho biết, trong tháng 12/2023, công ty đã thực hiện chiết khấu thương mại cho những công ty đạt doanh số theo cam kết và phát sinh các khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá.
Tính chung cả năm 2023, Dược Danapha ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 576 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 77 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 57% so với năm trước. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục từ trước tới nay của Dược Danapha.
Quy mô tổng tài sản của Danapha tại thời điểm ngày 31/12/2023 đạt 1.295 tỷ đồng, giảm 20% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn ghi nhận 552 tỷ đồng, riêng các khoản thu ngắn hạn đạt 360 tỷ đồng, hàng tồn kho hơn 94 tỷ đồng; tài sản dài hạn hơn 743 tỷ đồng (trong đó, tài sản cố định 124 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn hơn 593 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí xây dựng cơ bản dở dang…).
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Danapha ở mức hơn 584 tỷ đồng, tăng gần 38% so với đầu năm 2023, trong đó, phần lớn là vay nợ tài chính với gần 355 tỷ đồng. Tại cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Dược Danapha đạt hơn 711 tỷ đồng.