QC 1
Thứ 5, ngày 16/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

ĐHCĐ Ngân hàng BIDV: Dự kiến phát hành 830 triệu cổ phần tăng vốn, mục tiêu lợi nhuận 13.000 tỷ đồng

Sáng nay (12/3), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – BID) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Năm nay, BIDV lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng nhờ chia cổ tức năm 2019-2020, chào bán riêng riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng.

Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Đặt mục tiêu lợi nhuận tăng vọt lên 13.000 tỷ đồng 

Đại hội cổ đông năm nay thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư, cổ đông, các quỹ… do BIDV trình kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ, chia cổ tức và đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. 

Báo cáo với cổ đông, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết nếu không hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ Covid-19, lợi nhuận năm 2020 của BIDV có thể tăng 44% so với năm 2019. 

Được biết, trong năm 2020, tương tự các nhà băng khác, BIDV cho biết giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí cho doanh nghiệp và người dân vì Covid-19. Do đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV năm 2020 chỉ đạt 9.017 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng Mẹ đạt 8.515 tỷ đồng, giảm 17,3%. 

Theo tờ trình gửi cổ đông, BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng trưởng 10-12%, đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do NHNN giao. Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến khoảng 12-15%.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất sẽ tăng vọt 40% so với năm trước, dự kiến ở mức 13.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không vượt 1,6%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của BIDV theo tài liệu ĐHCĐ thường niên

Tăng mạnh vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng

Theo tờ trình ĐHCĐ, năm 2021, BIDV muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng (tức tăng 20,6%). Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý 3 – quý 4/2021. Việc chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 sau khi được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Về chia cổ tức, ông Tú cho biết mặc dù có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên ngân hàng đã quyết định chia cổ tức bằng tiền và cổ tức năm 2021 sẽ không thấp hơn năm trước.

Chủ tịch Phan Đức Tú cũng tiết lộ, năm vừa qua BIDV đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư tiềm năng để chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu sắp tới và có khá nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư quan tâm nhưng do dịch Covid-19 nên họ đang cân nhắc đầu tư.

Đến cuối năm 2020, hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV chỉ ở mức 8%, mức tối thiểu theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc tăng vốn để đảm bảo nhu cầu vốn trong mọi hoàn cảnh, điều kiện; trong đó, tăng vốn điều lệ là một trong những nguồn vốn nền tảng, giúp cho các nguồn tăng thứ cấp khác.

Nguồn vốn tăng thêm sẽ được sử dụng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, được phân bổ vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông.

Trước đó, năm 2019, BIDV đã hoàn thành tăng vốn từ phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nâng tổng mức vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần đạt mức 14.292 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu BID vẫn giao dịch quanh vùng 43.000 đồng/cp suốt nhiều tháng qua, sau khi đã tăng một đoạn khá dài từ mức đáy 13.000 đồng/cp xác lập hồi năm 2017. Thời gian qua, thị trường kém quan tâm hơn vào cổ phiếu BID do kết quả kinh doanh đi xuống, không chia cổ tức và kế hoạch tăng vốn chưa thực hiện được. Do vậy, với kế hoạch tăng vốn khủng trong năm 2021 nếu được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông qua, nhà đầu tư kì vọng cổ phiếu BID sẽ có sự bứt tốc trong thời gian tới. 

Về nhân sự, theo tờ trình gửi cổ đông, BIDV dự kiến bầu ông Lê Ngọc Lâm – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị BIDV nhiệm kỳ 2017-2022.

Đối với Ban Kiểm soát, ngân hàng trình cổ đông thông qua việc cầu bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Ban Kế hoạch BIDV giữ chức vụ thành viên Ban Kiểm soát BIDV nhiệm kỳ 2017-2022.

Rủi ro nợ xấu “khủng” kéo giảm lợi nhuận

Tính đến cuối năm 2019, BIDV có gần 11.210 tỷ đồng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), đây là nhóm nợ nguy hiểm nhất, tăng gần 4.040 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng nợ xấu của ngân hàng. Số dư nợ xấu nội bảng của BIDV tăng thêm 650 tỷ đồng lên 19.451 tỷ đồng (tương đương tăng 3,4%) và nằm trong nhóm có nợ xấu nội bảng cao nhất hệ thống ngân hàng.

Với nỗ lực cải thiện chất lượng tín dụng, tăng quy mô dư nợ, song đến cuối năm 2020, nợ xấu của BIDV tiếp tục tăng mạnh lên mức 21.369 tỷ đồng (chiếm 1,76% tổng dư nợ cho vay khách hàng), tăng thêm hơn 1.873 tỷ đồng so với đầu năm 2020. 

Nợ xấu tăng quá nhanh khiến năm 2020 ngân hàng đã phải mạnh tay trích tới 19.055 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng thêm hơn 4.400 tỷ đồng so với năm 2019. 

Việc tăng chi phí dự phòng rủi ro chính là nguyên nhân “bào mòn” lợi nhuận ngân hàng nhiều năm qua, khiến cho lợi nhuận hàng năm sụt giảm mạnh và việc chia cổ tức luôn là phương án được “nâng lên đặt xuống” khi trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Theo Hải Hà /Việt Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/kinh-te/dhcd-ngan-hang-bidv-du-kien-phat-hanh-830-trieu-co-phan-tang-von-muc-tieu-loi-nhuan-13-000-ty-dong-489415