QC 1
Thứ 7, ngày 04/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Điện lực Khánh Hòa: Gánh nợ vượt mốc 1.600 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu

Trong số các chủ nợ của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (HOSE: KHP), Tổng công ty Điện lực Miền Trung trong vai trò công ty mẹ đang có hợp đồng cho vay lại từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, tổng giá trị hơn 1,6 triệu USD.

ại ngày 31/3/2024, số nợ phải trả của Điện lực Khánh Hòa đã vượt mốc 1.600 tỷ đồng, chiếm 70,3% nguồn vốn của công ty và cao gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu. Gánh nợ này chia đều cả trong ngắn hạn và dài hạn, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 119 tỷ đồng, trong dài hạn là 804,5 tỷ đồng.

Về các chủ nợ trong dài hạn, đáng chú ý có hợp đồng vay lại từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam với nguồn vốn vay Ngân hàng Thế Giới. Khoản vay này có hạn mức hơn 1,5 triệu USD được bảo đảm bằng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay với thời hạn 19 năm kể từ ngày /1/2008. Khoản vay được hoàn trả trong 36 kỳ bán niên bắt đầu từ tháng 6/2010, lãi suất 1%/năm và phí cho vay lại 0,2%/năm tính theo số dư nợ vay thực tế.

Tổng công ty Điện lực Miền Trung là công ty mẹ hiện nắm giữ 52,14% cổ phần KHP. Đến cuối quý I/2024 Điện lực Khánh Hòa vẫn đang có khoản vay lại từ Điện lực Miền Trung với nguồn vốn Ngân hàng Thế giới thuộc chương trình hỗ trợ chính sách cải cách ngành điện. Khoản vay này được sử dụng để đầu tư công trình Trạm biến áp 110Kv Ninh Thủy và nhánh rẽ theo danh mục dự án sử dụng vốn được Bộ Công thương phê duyệt.

Khoản vay trị giá hơn 1,6 triệu USD bảo đảm bằng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay thời hạn 25 năm kể từ 2010, gồm 10 năm ân hạn. Khoản vay được hoàn trả theo kỳ bán niên bắt đầu từ 5/2/2021, chịu lãi suất LIBOR của đồng USD cộng thêm khoản chênh lệch biến đổi. Khoản chênh lệch này sẽ xem xét định kỳ điều chỉnh vào ngày 30/6 và 31/12 hàng năm.

Quý 1/2024, bình quân mỗi ngày Điện lực Khánh Hòa thu về hơn 16,4 tỷ đồng

Quỹ Đầu tư phát triển Khánh Hòa đang có hàng chục hợp đồng cho vay đối với Điện lực Khánh Hòa để thực hiện hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng điện. Đây là những khoản vay có giá trị từ hàng trăm triệu đến dưới 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Điện lực Khánh Hòa đang có các hợp đồng vay vốn tại nhiều nhà băng như Ngân hàng TMCP An Bình – Chi nhánh Khánh Hòa (3 hợp đồng vay vốn với tổng hạn mức gần 50 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Công thương – Chi nhánh Khánh Hòa (16 hợp đồng cho vay); Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Khánh Hòa (4 hợp đồng cho vay; Agribank chi nhánh Khánh Hòa (12 hợp đồng cho vay)…

Về hoạt động kinh doanh, quý I/2024, doanh thu Điện lực Khánh Hòa đạt 1.476,7 tỷ đồng, tăng 342 tỷ đồng, tương đương tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy doanh thu hơn ngàn tỷ nhưng giá vốn bán hàng cao và các chi phí tăng nên lợi nhuận thuần chỉ ở mức 11,2 tỷ đồng. Đây vẫn là chỉ số rất tích cực nếu so với mức âm 42,9 tỷ đồng trong quý I/2023.

Khép lại quý đầu năm, Điện lực Khánh Hòa ghi nhận lãi 10,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị lỗ đến 41,4 tỷ đồng.

Điện lực Khánh Hòa vẫn duy trì doanh thu mỗi năm nhiều ngàn tỷ trong giai đoạn vừa qua. Năm 2023, doanh thu thuần đạt hơn 6.205 tỷ đồng, tăng 20,17% so với năm 2022. Tuy vậy lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 54,8 tỷ đồng, giảm 7,11% so với năm 2022.

Mới đây, Điện lực Khánh Hòa thông báo chốt ngày tạm ứng cổ tức 2023 bằng tiền, tỷ lệ 6%. Ngày thanh toán dự kiến là 25/4/2024. Với hơn 60,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công ty dự kiến cần hơn 36,2 tỷ đồng cho đợt thanh toán cổ tức này, trong đó hơn 1 nửa chảy về túi của Điện lực Miền Trung.

Theo Cao Thái/ Kinh Tế Chứng Khoán