QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành Tài chính giai đoạn 2025 – 2027

 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 637/QĐ-BTC phê duyệt Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành Tài chính giai đoạn 2025 – 2027.

Quyết định nêu rõ, định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành Tài chính giai đoạn 2025 – 2027 được cập nhật, bổ sung hằng năm, là cơ sở cho việc đề xuất, tuyển chọn và giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ của ngành Tài chính.

Theo đó, giai đoạn 2025 – 2027, ngành Tài chính nghiên cứu các vấn đề về kinh tế vĩ mô và Chiến lược. Cụ thể như: Sơ kết, đánh giá Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các chiến lược ngành đã triển khai để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phục vụ quá trình xây dựng các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Đồng thời nghiên cứu các vấn đề lý luận về kinh tế – tài chính, các mô hình phát triển kinh tế (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh) và tác động của các mô hình phát triển kinh tế đến lĩnh vực tài chính – NSNN.

Chính sách kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, NSNN, lạm phát, đầu tư, thương mại và các vấn đề về an sinh xã hội; các chính sách kinh tế vĩ mô tác động đến lao động, việc làm, cấu trúc ngành nghề, ảnh hưởng của việc già hóa dân số đến nền kinh tế. Các vấn đề về phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, cơ cấu lại nền kinh tế gần với đổi mới mô hình tăng trưởng, năng cao năng suất, chất lượng…

Trong giai đoạn 2025 – 2027, ngành Tài chính cũng tập trung nghiên cứu về chính sách tài chính công, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính – NSNN, như: Hệ thống thu ngân sách theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, ổn định nguồn thu NSNN… Công tác quản lý thuế, hải quan nhằm chống thất thu thuế, theo kịp yêu cầu phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới, thuế tối thiểu toàn cầu phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế…

Theo Lan Phương/ Báo Chính Phủ