QC 1
Thứ 3, ngày 30/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đô thị là không được nợ tiêu chí

8h00 sáng 13/12, tại Nhà Quốc hội phiên họp thứ 28 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Sau phát biểu khai mạc Phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tóm tắt các tờ trình liên quan đến việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội sẽ có báo cáo về công tác thẩm tra các nội dung trên.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 28

Phát biểu tại Phiên họp liên quan đến quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn trong Tờ trình chưa đề cập đến nội dung liên quan đến quy hoạch – đây là vấn đề bắt buộc, do vậy để cơ quan trình và cơ quan thẩm tra cần khẳng định rõ vấn đề này trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biết quyết thông qua.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu trong, trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không nêu vấn đề nợ tiêu chí khi thành lập đô thị, do vậy phải khẳng định có hay không có tình trạng nợ tiêu chí khi thành lập đô thị.

Về đổi tên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đây là vấn đề phức tạp, cần làm rõ tại sao lại đổi tên từ Minh Tâm thành thị trấn Hậu Hiền. Bên cạnh đó, đối với xã Vân Hà nằm ở ngoài đê cần nghiên cứu, tính toán nên hay không nên sắp xếp, bố trí dân cư cho người dân khu vực thoát lũ. Mặc dù không nằm trong dự thảo nghị quyết nhưng trong phần sắp xếp có liên quan đến nhau -những vấn đề này cần làm rõ trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hồ sơ các nội dung này đã được chuẩn bị đầy đủ, sau khi thẩm tra, Chính phủ và các địa phương đã có báo cáo giải trình. Đây là hai đề án đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết 28, được thực hiện theo quy trình điều chỉnh địa giới hành chính thông thường, Chính phủ và cơ quan thẩm tra có xem xét để đảm bảo từng việc sắp xếp đơn lẻ đều phù hợp với tổng thể trong giai đoạn tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với Bắc Giang, nội dung tập trung vào huyện Việt Yên, đưa huyện này thành thị xã, với dân số không đổi, diện tích không đổi, tổng số đơn vị hành chính không đổi, thành lập 9 phường mới trên cơ sở 7 xã cũ và 2 thị trấn cũ.

Đối với Thanh Hóa, tập trung vào huyện Thiệu Hóa, sau khi sắp xếp, huyện này sẽ giảm 2 xã, tăng 1 thị trấn. Tất cả các tiêu chuẩn, điều kiện đều đã được đáp ứng đầy đủ, chặt chẽ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những nội dung trọng tâm trong tờ trình, báo cáo thẩm tra.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn 

Giải trình về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, Tờ trình của Chính phủ đã rất đầy đủ, bám đúng theo 5 tiêu chuẩn của khoản 2 ĐIều 128 của Luật Chính phủ, đồng thời bám đúng theo tinh thần của Nghị quyết 1211 và Nghị quyết 27 của UBTVQH.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, Bộ còn căn cứ trên cơ sở của Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn đô thị và việc sắp xếp. Vì vậy, toàn bộ nội dung trình từ khi bắt đầu có Nghị quyết 35 của UBTVQH thì Bộ Nội vụ đã bám đúng theo tinh thần đó. 

Về việc sắp xếp đơn vị hành chính xã Thiệu phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, Bộ đã đảm bảo đúng theo quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị đã phê duyệt.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, thực tế hiện có 56 tỉnh thành đã chuyển phương án, còn sau khi rà soát, một số tỉnh không nằm trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên đến thời điểm này, khi các địa phương triển khai thực hiện Kết luận 48 và Nghị quyết 35 của UBTVQH thì một số nơi có tâm lý chưa quyết liệt. Khi tổng hợp các phương án của các địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận thấy, đối với 56/56 địa phương, hiện chỉ 50% địa phương đảm bảo được việc sắp xếp. Còn lại cần căn cứ theo 4 tiêu chí đặc thù để đưa vào cơ chế đặc thù nên các địa phương không sắp xếp. 

Dự kiến số liệu khi các đơn vị sắp xếp lại theo hướng giảm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, sẽ có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã, và khả năng khi sắp xếp lại theo hướng giảm thì chỉ đạt 50% của các số nêu trên.

Phát biểu tại phiên họp với tư các khách mời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết, tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu các nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, thực hiện đầy đủ các công việc trong thẩm quyền khi Nghị quyết được thông qua.

Toàn cảnh phiên hợp thứ 28 của Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Về tên gọi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước đây, khi sáp nhập xã Thiệu Minh, xã Thiệu Tâm, nhân dân địa phương có nguyện vọng giữ lại tên của mỗi bên, để tạo thành tên xã Minh Tâm. Nhưng khi đưa vào quy hoạch đô thị, vì đây là vùng giao thông từ xưa, bà con địa phương muốn lấy lại tên chung cũ của vùng.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, nhất là việc xem xét sắp xếp xã Vân Hà trong sắp xếp các đơn vị hành chính tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

Về quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh nội dung sắp xếp xã Vân Hà đã nằm trong quy hoạch của tỉnh, bảo đảm đầy đủ các tiêu chí đề ra.

Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giao  Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội và Bộ Nội vụ rà soát Thông báo gửi Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để yêu cầu khẩn trương phối hợp thực hiện đúng quy định của Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ trong việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023- 2025 đảm bảo những vấn đề như yêu cầu đặt ra, trong đó có những vấn đề nổi cộm và đặc biệt phải chú ý về vấn đề quy hoạch và việc  đô thị là không được nợ tiêu chí…

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hồ sơ các Đề án đã đảm bảo đầy đủ, quá trình chuẩn bị hồ sơ, thủ tục lâu dài…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, 02 Đề án hôm nay Chính phủ trình đã đảm bảo đúng thẩm quyền. Công tác thẩm tra 02 Đề án được chuẩn bị kỹ lưỡng, Báo cáo thẩm tra và tài liệu đi kèm đảm bảo đầy đủ. Ủy ban Pháp luật cũng nêu lên một số ý kiến lưu ý với Chính phủ, Bộ Nội vụ và các địa phương về việc thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 35 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 117 của Chính phủ trong giai đoạn tới…

Theo Hải An/Tạp chí Việt – Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/tim-hieu-phap-luat/do-thi-la-khong-duoc-no-tieu-chi-491834.html