QC 1
Thứ 4, ngày 01/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nghiệp chi hơn 10.000 tỷ cho 2 băng tần 5G

Theo kết quả đấu giá tần số vô tuyến điện, Viettel trúng đấu giá băng tần B1 với giá hơn 7.500 tỷ đồng, VNPT trúng đấu giá băng tần C2 với giá hơn 2.500 tỷ đồng.

Đây là thông tin được Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông, chiều 8/4. 

Cụ thể, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, trong tháng 3 này, 2 cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã diễn ra thành công.

Một trạm thu phát sóng của Viettel.

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500 – 2600 MHz) với giá 7.533 tỷ đồng. Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700 – 3800 MHz) với giá 2.581 tỷ đồng.

Riêng khối băng tần C3 (3800 – 3900 MHz), do chỉ có một doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, không đủ số lượng tối thiểu theo quy định Luật Đấu giá tài sản, nên cuộc đấu giá không thành công.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đấu giá thành công tần số, sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua. “Việc đấu giá nâng mức tần số cấp cho thông tin di dộng tăng 59% so với hiện tại”, ông Tuấn nói.

Cũng theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, việc đấu giá thành công là điều kiện cần thiết, là tiền đề để triển khai thương mại hóa 5G trên toàn quốc trong năm 2024, cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia, thúc đẩy phát triển các ứng dụng số và hệ sinh thái dịch vụ số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

Liên quan đến vấn đề thương mại hóa 5G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết giá dịch vụ do doanh nghiệp chủ động đặt ra, dựa trên giá thành, tính toán từ nhiều yếu tố như nhu cầu sử dụng, chất lượng dịch vụ, chi phí, mức độ đầu tư của doanh nghiệp.

Bộ cũng đã ký cam kết với các doanh nghiệp, nhằm đảm bảo doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện sử dụng tần số được đặt ra khi đấu giá tần số 5G.

Liên quan đến vấn đề này, Viettel thông tin, nhà mạng này “dự kiến khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất”, và cho biết thiết bị 5G tự nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy trên băng tần 2500 – 2600 MHz.

Trong khi đó, đại diện VNPT cũng khẳng định đang “tích cực chuẩn bị để sớm thương mại hóa 5G”, đồng thời đã chuẩn bị chiến lược phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số để tận dụng sức mạnh của thế hệ mạng mới.

Theo Tiểu An/ VietnamFinance