QC 1
Chủ nhật, ngày 12/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nghiệp taxi truyền thống chủ động vượt “bão” COVID-19

Đại dịch COVID-19 như một cơn bão bất ngờ, một cơn đại hồng thủy dữ dội, trong vòng chưa đầy 2 năm đã có tới 4 đợt bùng phát dịch bệnh khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói chung và doanh nghiệp taxi nói riêng rơi vào cảnh khốn đốn, ngập chìm trong thua lỗ.

(Ảnh minh họa)

Vận tải là một trong số các nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch COVID-19, trong đó các doanh nghiệp taxi cũng không ngoại lệ. Nếu các hãng xe taxi công nghệ còn có thêm loại hình giao hàng, giao đồ ăn để bù đắp khoản hụt thu từ vận chuyển hành khách, thì các doanh nghiệp taxi truyền thống chỉ có duy nhất một loại hình. Vì vậy, khi dịch bùng phát, nhu cầu đi lại giảm mạnh thì các doanh nghiệp taxi truyền thống là đối tượng dễ bị thiệt hại, tổn thương nhiều nhất.

Taxi truyền thống lao đao, nhân sự khủng hoảng

CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun – Mã: VNS) được xem là một trong những doanh nghiệp niêm yết nổi bật nhất của lĩnh vực kinh doanh taxi. Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 ập đến đã khiến kết quả kinh doanh của “đại gia” sụt giảm nghiêm trọng.

“Bão” COVID-19 đổ bộ từ đầu năm 2020 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của Vinasun.

Doanh thu cả năm 2020 Vinasun chỉ đạt 1.006 tỷ đồng, giảm phân nửa so với năm 2019. Bốn quý liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn khiến khoản lỗ ròng cả năm 2020 của Vinasun vượt trên 210 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử niêm yết doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ.

Đáng chú ý, số lượng nhân viên Vinasun tính đến ngày 31/12/2020 là 4.398 người, trong khi đầu năm ghi nhận 5.790 nhân viên, tức là trong năm qua doanh nghiệp đã cắt giảm 1.392 việc làm.

Sang đến quý I/2021, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này cũng không khởi sắc hơn khi doanh thu giảm 39%, chỉ đạt 222 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu vận chuyển hành khách bằng taxi chỉ còn 186 tỷ đồng, giảm 133 tỷ đồng so với cùng kỳ. Kết quả, chỉ trong 3 tháng đầu năm, Vinasun báo lỗ hơn 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản lỗ này chỉ ghi nhận 17 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, liên tiếp thua lỗ khiến cổ phiếu VNS bị đưa vào diện cảnh báo từ 12/4/2021. Thậm chí, nếu 2022 tiếp tục lỗ thì VNS sẽ bắt buộc phải rời sàn chứng khoán.

Nói đến Vinasun thì không thể không nhắc tới một “ông lớn” khác trong ngành taxi là CTCP Tập đoàn Mai Linh (Mã: MLG). Năm 2020, dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19 doanh thu của Mai Linh giảm 29% so với năm trước, xuống còn 1.574 tỷ đồng.

Doanh thu không đủ bù đắp chi phí đã khiến doanh nghiệp báo lỗ ròng hơn 173 tỷ đồng, cao gấp 33 lần so với khoản lỗ năm 2019, nâng tổng lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2020 lên gần 1.210 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản nợ phải trả tính đến 31/12/2020 của Tập đoàn Mai Linh lên đến 4.309 tỷ đồng, chiếm 96% tổng tài sản (4.481 tỷ đồng). Ban lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh cho biết, ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 đã khiến lượng khách sụt giảm mạnh, kéo theo doanh thu và lợi nhuận cùng lao dốc.

Chủ động ứng phó, tương lai hé mở

Trong nguy có cơ, ẩn chứa những cơ hội nhất định. Ban Giám đốc Mai Linh cho rằng, yếu tố COVID-19 khiến lợi nhuận của họ bị thu hẹp thời gian qua và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong tương lai. Đây là lý do trong thời gian vừa qua, lãnh đạo doanh nghiệp này đã tái cấu trúc bộ máy, ứng dụng công nghệ, ra mắt các sản phẩm/dịch vụ mới,…

“Mai Linh nay không chỉ là taxi, mà là một hệ sinh thái đa dạng, bao gồm: taxi truyền thống, taxi công nghệ, xe cho thuê, xe bus, xe đường dài, dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa xe ô tô, tàu cao tốc, logistic đầu cuối (chuyển phát nhanh, vận chuyển hàng hóa), du lịch, bảo hiểm, thương mại,…”, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Mai Linh nói.

Hiện nay và trong thời gian tới, Tập đoàn này theo đuổi chiến lược xây dựng hệ sinh thái xung quanh trục vận tải – phát triển các dòng sản phẩm và dịch vụ mới, phát triển các ngành nghề liên kết với vận tải để khai thác tối đa lợi thế hệ thống của Mai Linh trên 63 tỉnh thành cùng các huyện đảo. Theo đó, chiếm thị phần chi phối tại địa phương mà Mai Linh có mặt là một trong những mục tiêu của Mai Linh giai đoạn 2020-2025.

Các hãng taxi truyền thống đang dần đổi mới công nghệ và dịch vụ trước thách thức từ đại dịch

Đối với Vinasun, trong năm 2021, doanh nghiệp sẽ phát triển việc thanh toán online trên Vinasun App kết hợp với các ví điện tử trên thị trường và các Mobile Money App; thay thế toàn bộ POS thanh toán hiện nay bằng SmartPOS; khai thác dòng xe mới Toyota Wigo với giá cước phù hợp với nhu cầu của khách hàng…

Đồng thời, tiếp tục nâng cấp GPS từ 2G lên 4G và hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý – điều hành xe; thử nghiệm việc đồng bộ thông tin của đồng hồ taximete trên điện thoại thông minh của lái xe nhằm phát huy các ưu điểm của Vinasun App; khai thác triệt để thế mạnh của việc điều xe qua hệ thống tổng đài; phát triển hơn nữa các chức năng trên App nhằm đáp ứng nhu cầu nhanh nhất của khách hàng; giữ vững và phát triển thêm các điểm tiếp thị chiến lược…

Bên cạnh việc số hoá các sản phẩm dịch vụ, Vinasun cũng chủ động triển khai các giải pháp nhằm mang đến sự an tâm cho khách hàng khi đi xe như tuyên truyền, nhắc nhở lái xe chú ý hơn trong việc vệ sinh khử trùng xe, giữ gìn vệ sinh cá nhân, trang bị nước rửa tay, khẩu trang trên xe…

Ngoài ra, tất cả lái xe đều phải cam kết tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế đi tham gia đưa đón hành khách.

Vẫn cần sự tiếp sức kịp thời từ Chính phủ

Để giúp doanh nghiệp vận tải vượt qua giai đoạn khó khăn này, Hiệp hội Taxi ba miền cũng kiến nghị Thủ tướng sớm có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 6 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, Hiệp hội mong muốn Thủ tướng chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể, giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021. Đối với các doanh nghiệp còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến 31/12, và không tính lãi chậm nộp…

Ngoài ra, hiệp hội còn đề xuất cho các doanh nghiệp vận tải được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021 và điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải 24 tháng đối với chu kỳ đầu và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng.

Được biết, vào tháng 4/2021, Bộ Giao thông Vận tải cũng từng kiến nghị Chính phủ áp dụng chính sách ưu đãi vốn vay, giảm thuế phí, giãn thời hạn nộp thuế…để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo Thu Thủy/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-taxi-truyen-thong-chu-dong-vuot-bao-covid-19-95788.html