QC 1
Thứ 3, ngày 14/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dự án Sân bay Long Thành chưa được giao vốn

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ nhiều vướng mắc khiến cho việc giải ngân đầu tư công bị chậm và tiết lộ dự án trọng điểm quốc gia – sân bay Long Thành chưa được giao vốn.

Tại hội trường Quốc hội sáng 2/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình về nhiều vấn đề trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025…

Về vấn đề giải ngân đầu tư công bị chậm so với kế hoạch 2021-2025, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Còn nếu tính theo cả Quyết định của TTCP và các địa phương thì chỉ giải ngân được 52% kế hoạch.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên thảo luận

Bộ trưởng đặt vấn đề: Tại sao giải ngân thấp như vậy trong khi nền kinh tế đã đáp ứng vốn? Nguyên nhân có phải do vướng mắc từ đầu tư công trong Luật Đầu tư công hay không và nếu không sửa Luật này thì vẫn tiếp tục vướng mắc trong giải ngân đầu tư công.

Theo Bộ trưởng Phớc, muốn điều chỉnh danh mục công trình trong giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh vốn từ dự án này sang dự án khác… cũng phải trình ra Quốc hội. Muốn lập dự án thì phải có tiền, tiền phải đưa vào kế hoạch đầu tư công mà muốn có dự án thì phải được bố trí tiền.

Thực tế là những dự án trong gói phục hồi nền kinh tế không giao vốn chứ đừng nói chuyện giải ngân, đơn cử gói 14.000 tỷ đồng để xây dựng trạm y tế phường, xã thì đến nay chưa giao được vốn.

“Kể cả dự án Sân bay Long Thành, là công trình trọng điểm quốc gia, đến nay cũng chưa giao được vốn do vướng phê duyệt dự án”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia với nhiều dự án thành phần, tổng mức đầu tư khoảng 16 tỷ USD, tương đương 336.630 tỷ đồng. Trong đó giải đoạn 1 cần đầu tư 114.450 tỷ đồng để xây dựng nhà ga với công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Nếu lấy nguồn chi thường xuyên đưa vào chuẩn bị đầu tư thì lại sai quy định của Luật Đầu tư công. Do vậy, Luật Đầu tư công phải sửa đổi theo hướng mở ra, phải đa dạng hóa nguồn vốn, cân đối được tài khoá và quy định chủ yếu trình tự thủ tục.

“Tôi nghĩ phải sửa và sắp tới có thể sửa Luật Ngân sách thì đưa vào một chương phù hợp với Luật Ngân sách về chi thường xuyên và chi đầu tư. Ngay cả vấn đề chi thường xuyên, chi đầu tư bây giờ cũng cãi nhau. Cho nên vấn đề vướng pháp luật thì tôi nghĩ là có và chúng ta tiếp tục hoàn thiện”, ông Phớc kiến nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nếu hoàn thiện pháp luật tốt thì tăng trưởng sẽ mạnh hơn, nền kinh tế bền vững hơn và doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong 3 năm qua, Bộ Tài chính đã trình với Chính phủ và Quốc hội giảm thuế đối với các loại thuế cũng như tiền thuê đất. Trong đó, năm 2021 giảm được 132.400 tỷ đồng, năm 2022 giảm 233.000 tỷ đồng và năm nay dự kiến khoảng 200.000 tỷ đồng.
Về thu ngân sách năm 2023, đến ngày 30/10, thu ngân sách đạt 85%, tức 1.366.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền thu từ đất chỉ đạt 57,8% (khoảng 86.482 tỷ đồng). Các khoản thu dầu thô cũng rất thấp chỉ 46.000 tỷ đồng, tức chỉ 2,6% tổng thu ngân sách. Nguồn thu ngân sách chủ yếu từ sản xuất kinh doanh, đặc biệt thu nội địa.

Theo Hải Hà/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/du-an-san-bay-long-thanh-chua-duoc-giao-von-491254.html