QC 1
Chủ nhật, ngày 19/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ ‘rất hạn chế’ do lạm phát đang cao so với kế hoạch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể tác động mạnh đến tăng trưởng GDP, KBSV cho rằng dư địa để Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn là rất hạn chế, do lạm phát và lạm phát cơ bản bình quân, ít nhất trong quý I/2020, đều ở mức cao so với kế hoạch đặt ra đầu năm của Chính Phủ.

Dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ ‘rất hạn chế’ do lạm phát đang cao so với kế hoạch.

Trong báo cáo nhận định về lạm phát tháng 2/2020, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ước tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đạt tăng 5,11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lạm phát bình quân ước đạt 5,77%. Lạm phát cơ bản bình quân ước đạt 2,96%.

KBSV cho hay, ước tính này dựa trên việc giá các nhóm hàng trong rổ hàng hóa đều có xu hướng giảm mạnh dưới tác động của dịch corona. Lạm phát cơ bản bình quân nhờ đó cũng sẽ hạ nhiệt tương đối.

Chuyên gia của KBSV nhận định, lạm phát và lạm phát cơ bản bình quân, ít nhất trong quý I/2020, đều ở mức cao so với kế hoạch đặt ra đầu năm của Chính Phủ.

“Do vậy, dư địa để Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn vẫn rất hạn chế. Đây là cơ sở chính để chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không có động thái nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2020 để hỗ trợ tăng trưởng như các ngân hàng trung ương khác trong khu vực”, báo cáo của KBSV viết.

Bước sang nửa sau năm 2020, mức tăng CPI bình quân nhiều khả năng sẽ dần hạ nhiệt do mức nền cùng kỳ năm 2019 bắt đầu chịu ảnh hưởng của giá thịt heo cao. Do đó, KBSV duy trì dự báo CPI bình quân năm 2020 tăng 3,7%.

Giới chuyên gia nhìn chung đồng quan điểm rằng không nên “bơm tiền” để kích thích tăng trưởng kinh tế dù dịch Covid-19 có thể tác động mạnh đến tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, quan điểm cụ thể cũng có khác nhau.

Một số chuyên gia cho rằng không nên “bơm tiền” nhưng vẫn nên có các biện pháp nới lỏng tiền tệ cần thiết nhằm đối phó với tác động từ dịch Covid-19, như giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ, miễn phí dịch vụ, các khoản thanh toán, khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp…

Trong khi số khác tỏ ra thận trọng hơn với luận điểm rằng nới lỏng tiền tệ, trong đó có giảm lãi suất, có nguy cơ làm tăng lạm phát mà hiệu quả thì vẫn là dấu hỏi lớn. Phần vì lãi suất giảm chưa chắc kích thích chi tiêu do bản chất sự suy giảm chi tiêu lần này đến từ mối lo sức khỏe, người tiêu dùng hạn chế xuất hiện nơi đông người; phần vì lãi suất điều hành tại Việt Nam không tác động nhiều đến lãi suất trên thị trường, trong khi các ngân hàng đang gặp áp lực lớn về huy động vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới.

Thêm vào đó, đòn bẩy tín dụng của nền kinh tế (biểu thị qua tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP) hiện đang ở mức cao nhất lịch sử, nếu tiếp tục nâng cao hơn nữa sẽ tích lũy rủi ro lớn cho nền kinh tế.

Ngoài ra, dịch Covid-19 chỉ là tạm thời, ít ảnh hưởng lâu dài và dai dẳng tới nền kinh tế nên cũng không cần thiết phải tính đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Theo Minh Tâm/VietnamFinance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/du-dia-noi-long-chinh-sach-tien-te-rat-han-che-do-lam-phat-dang-cao-so-voi-ke-hoach-20180504224234661.htm