QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dữ liệu kinh tế tích cực thúc đẩy tâm lý thị trường chứng khoán Mỹ

Dữ liệu GDP cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,3% trong quý 4/2023, cao hơn so với ước tính của Phố Wall là 2%. Điều này thúc đẩy tâm lý lạc qua của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 25/1 công bố dữ liệu GDP của nước này tăng trưởng 3,3% trong quý 4/2023, cao hơn so với ước tính của Phố Wall là 2%.

Mức tăng bất ngờ này là nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh ở mức 2,5% trong cả năm 2023. Chi tiêu của chính quyền các tiểu bang và địa phương cũng tăng 3,7%.

Đầu tư của doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản cũng góp phần giúp kinh tế tăng trưởng vượt dự báo. Chỉ số theo dõi lạm phát lõi cũng tăng 2% quý thứ hai liên tiếp, khớp với mục tiêu của Fed.

Tổng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước tăng 2,1%, đây là một yếu tố quan trọng khác giúp GDP quý IV/2023 tăng trưởng mạnh mẽ.

 Chỉ số S&P 500 đang kéo dài chuỗi lập kỉ lục tăng điểm khi tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 3,3% trong quý 4

Tính chung cả năm 2023, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,5%. Tốc độ này cao hơn năm 2022 khi chỉ tăng trưởng ở mức 1,9%.

Dữ liệu GDP cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự báo khi Mỹ dễ dàng vượt qua một cuộc suy thoái mà nhiều người cho rằng là không thể tránh khỏi.

Nhiều nhà kinh tế học hiện đã đảo ngược dự báo suy thoái, cho rằng Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng chậm trong năm nay.

Fed cũng đã giữ nguyên lãi suất nửa năm qua và tiếp tục được dự báo duy trì lãi suất hiện nay trong phiên họp tuần tới. Lãi suất tại Mỹ hiện quanh 5,25-5,5%.

Thị trường đang kỳ vọng Fed giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay. Kể từ tháng 3/2022, Fed đã nâng lãi thêm tổng cộng 525 điểm cơ bản (5,25%).

Báo cáo quan trọng khác là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE, một thước đo lạm phát ưa thích của Fed cho thấy mức tăng quý vừa qua là 2%, bằng với mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tích cực sau khi dữ liệu GDP được công bố, theo đó, các chỉ số chính đều bật tăng nhờ hàng loạt cổ phiếu dẫn dắt tiếp tục tăng cao.

Kết thúc phiên 25/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng thêm 0,64% lên 38.049,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,53% đóng cửa ở mức 4.894,16 điểm và chỉ số Nasdaq nhích 0,18% thành 15.510,50 điểm.

Mức tăng này kéo dài chuỗi lập đỉnh kỷ lục của S&P 500 nhờ sự lạc quan về nền kinh tế và lãi suất, cũng như làn sóng đặt cược vào trí tuệ nhân tạo.

Tâm điểm là cổ phiếu IBM tăng vọt hơn 9% sau khi công ty công nghệ công bố doanh thu và lợi nhuận điều chỉnh vượt kỳ vọng của các chuyên gia phân tích.

Ngược lại, cổ phiếu Tesla của tỷ phú Elon Musk bất ngờ bị bán tháo và giảm tới 12%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023 sau khi CEO Elon Musk cảnh báo tăng trưởng doanh số bán hàng sẽ chậm lại trong năm nay. Hơn nữa, việc giảm giá đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng.

Đối với thị trường năng lượng, giá dầu tăng vọt khoảng 3% vào 25/1 để đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2023 sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý vừa qua.

Giá dầu thô tăng vọt, chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2023, sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy mức tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý vừa qua và căng thẳng ở Biển Đỏ tiếp tục làm gián đoạn thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và sự gián đoạn vận chuyển trên hành lang Biển Đỏ vẫn là tâm điểm được những người tham gia thị trường theo sát.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 2,39 USD, tương đương 2,99%, lên 82,43 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 2,27 USD, tương đương 3,02%, lên 77,36 USD/thùng.

Theo Diệp Anh/Tạp chí Việt – Mỹ